Với những người Việt Nam mới học một ngoại ngữ, việc chia động từ (verb conjugation) theo các thì, thời, ngữ cảnh đã trở thành "cơn ác mộng" do sự khác biệt với ngôn ngữ mẹ đẻ.
Tiếp nối bài viết Trở thành polyglot nói được nhiều thứ tiếng: Là thiên phú hay khổ luyện?, LeLa Journal giới thiệu đến độc giả một số bí kíp chia động từ.
Trước tiên, cần xác định xem ngôn ngữ mà bạn đang theo học có yêu cầu bạn phải biến đổi động từ nguyên bản thành các dạng thức khác hay không. Trong số các ngoại ngữ thông dụng mà người Việt Nam đang học nhiều nhất hiện nay, chỉ có tiếng Trung Quốc giản thể/phồn thể (Simplified Chinese/Traditional Chinese) không yêu cầu chia động từ, nhờ đó người học đã bớt đi một nỗi sợ.
Vì vốn dĩ việc học hết 214 bộ thủ Khang Hi và cách ghi nhớ từng chữ Hán đã là một... thử thách (1), (2).
Còn nếu bạn đang "hăm hở" cắp sách vở đi học một ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh, hãy lưu ý rằng việc chia động từ là bắt buộc. Chúng ta "chạm trán" chướng ngại vật chia động từ khi tiếp xúc với tiếng Nhật, tiếng Hàn, các ngôn ngữ thuộc hệ Latin như tiếng Tây Ban Nha, tiếng Ý, tiếng Pháp, tiếng Đức... (3).
Việc chia động từ chính xác giúp người nghe lẫn người đọc hiểu đúng và rõ ràng về nội dung mà chúng ta muốn truyền đạt (4). Thông thường, một động từ ở dạng nguyên thể (infinitives) sẽ được chia cho hợp với chủ ngữ, thời điểm diễn ra hành động/trạng thái, ý đồ/mục đích của người diễn đạt, hình thái chủ động/bị động, hình thái khẳng định/phủ định, hoặc thậm chí là mức độ tôn kính, như trong tiếng tiếng Hàn, tiếng Nhật... (5).
Chẳng hạn, như trong câu tiếng Hàn sau: 아버지께서는 보통 회사에 8시에 가십니다 (Bố tôi bình thường 8 giờ là tới công ty).
Trong ví dụ này, có ba biểu hiện kính ngữ được dùng:
Chính vì lý do này mà một động từ sẽ có rất nhiều cách chia tùy thuộc ngữ cảnh của hành động. Quan trọng hơn là trong khi đa phần động từ biến đổi theo một số quy tắc nhất định, thường theo cấu trúc thân động từ (stem form) và đuôi động từ, vẫn có một số lượng động từ được chia "một mình một kiểu" – hay nhóm động từ bất quy tắc - yêu cầu người học phải học thuộc lòng từng từ.
Theo thống kê sơ lược của người viết, một động từ trong tiếng Nhật có khoảng 13 cách chia, một động từ/tính từ trong tiếng Hàn có 12 cách chia, trong khi con số này đối với động từ tiếng Tây Ban Nha và tiếng Ý là khoảng… hơn 100 cách. Con số lớn như vậy là bởi mỗi chủ ngữ lại được gắn với một hình thái động từ khác nhau và có tận sáu cách phân loại chủ ngữ theo đại từ nhân xưng.
Điều trên tưởng như đáng sợ, nhưng bạn hoàn toàn có thể đối diện với thử thách này trong tâm thế chủ động nếu trang bị cho mình những kỹ năng và bí quyết tiếp cận hiệu quả. Không tập trung vào việc giới thiệu các quy tắc chia động từ dưới dạng cẩm nang, người viết và LeLa Journal xin giới thiệu dưới đây những cách luyện tập nhằm giúp các bạn trẻ muốn theo đuổi con đường trở thành "polyglot" một cách dễ dàng hơn.
1. Chọn ra những hình thái thông dụng của động từ để ghi nhớ
Trên thực tế, các ngữ cảnh giao tiếp không đòi hỏi người học ngoại ngữ phải sử dụng tất cả các dạng của động từ. Bản thân những người sử dụng ngôn ngữ như tiếng mẹ đẻ (native speaker) cũng chỉ tập trung vào một số dạng động từ cơ bản thường dùng. Các hình thái chia động từ phức tạp và ít dùng hơn thường chỉ xuất hiện trong các văn bản khoa học, văn học hoặc các tài liệu nghiên cứu về ngôn ngữ học – một phạm trù khá "cao siêu" so với người học ở trình độ sơ cấp.
Vì vậy, khi mới chập chững làm polyglot, bạn nên lựa chọn ra những hình thái thông dụng của động từ và nắm bắt quy tắc chia của chúng thay vì ôm đồm tất cả (6).
Người viết gợi ý 6 hình thái chia động từ dễ gặp ở bất cứ ngôn ngữ nào, gồm có:
2. Kể chuyện (storytelling) - vận dụng một động từ trong nhiều ngữ cảnh khác nhau
Người học ngoại ngữ truyền thống đã quá quen với việc lập bảng chia động từ theo ngôi thứ - thì – thời. Thế nhưng, hoạt động này trên thực tế mang tính tổng hợp nhiều hơn là tính ứng dụng. Một số nghiên cứu về giảng dạy ngữ pháp trong lĩnh vực ngôn ngữ học đã chứng minh rằng: Việc học tập ngữ pháp đạt hiệu quả cao nhất khi người học được tiếp cận với đa dạng các hình thái của động từ thông qua việc kể chuyện (storytelling) (7), (8).
Các câu chuyện thường có ngữ cảnh rõ ràng, với nhân vật và hành động cụ thể, do đó, người học sẽ dễ dàng nắm bắt được các hình thái khác nhau của một động từ (6). Bạn hãy tự tin tạo nên những câu chuyện của riêng mình với những động từ đã học, chính là cách biến tấu và đặt ví dụ.
Người viết gợi ý độc giả áp dụng nguyên tắc 1-5-1 khi kể chuyện, trong đó bạn sẽ có một câu mở đầu, năm câu mô tả với động từ và một câu kết chuyện. Nếu tự tin hơn, bạn có thể mở rộng nội dung của mình với số lượng câu và hàm lượng thông tin nhiều hơn.
Để minh họa cho phương pháp này, người viết nêu ví dụ dưới đây trong tiếng Tây Ban Nha – một ngôn ngữ hệ Latin gần gũi với tiếng Việt. Động từ "comer" (nghĩa là "ăn") trong tiếng Tây Ban Nha vốn chia theo sáu đại từ nhân xưng (yo, tú, el/ella/usted, nosotros, vosotros, ellas/ellos/ustedes), người viết áp dụng quy tắc 1-5-1 để kể một câu chuyện ngắn như sau:
Me gusta cenar con mi familia. Nosotros comemos en la comerdor. Yo como arroz con pollo. Mis padres comen salada y pescados. Mi hermana no come, ella no está bien. A nosotros nos gusta comer en familia. ¿Y tú, comes con tu familia?
(Bản dịch: Tôi thích ăn tối với gia đình. Chúng tôi ăn tại phòng ăn. Tôi ăn cơm gà. Bố mẹ tôi ăn salad và cá. Em gái tôi không ăn, con bé thấy không khỏe. Chúng tôi thích ăn cơm khi cả nhà quây quần. Còn bạn, bạn có ăn cùng gia đình mình không?)
Từ câu chuyện đơn giản trên, chúng ta có thể thấy người học sẽ chia động từ "comer" thành năm hình thái khác nhau tương ứng chủ ngữ. Ngoài ra, phương pháp đặt câu – kể chuyện này cũng giúp người học thực hành các mẫu câu hay cách dùng từ khác. Do đó, nếu luyện tập chia động từ theo ngữ cảnh như trên một cách thường xuyên, bạn sẽ không còn "sợ" đối mặt với chướng ngại vật này nữa.
Hoặc, nếu không áp dụng quy tắc 1-5-1, bạn cũng có thể chỉ đặt câu đơn để học một vài từ nhưng đặt trong một ngữ cảnh nhất định. Chẳng hạn, trong tiếng Latin có từ "monet" nghĩa là "cảnh báo" được chia ở ngôi thứ ba, được dùng trong ngữ cảnh là "cô ấy cảnh báo", "anh ta cảnh báo"... Đồng thời, Monet cũng là danh họa nổi tiếng với trường phái ấn tượng (impression).
Bạn có thể đặt câu sau: "Đáng lẽ mình không nên quá ấn tượng khi xem tranh Monet, vì ổng cảnh báo rồi mà!"
3. Áp dụng và lặp lại quy tắc "Thử - sai – sửa lại cho đúng"
Không ai là không mắc lỗi khi chia động từ, vậy nhưng, nếu cứ sợ mình sai thì bạn sẽ không bao giờ luyện được ngôn ngữ một cách trọn vẹn. Hãy luôn coi mình như những "em bé hai tuổi" đang tập nói khi học ngoại ngữ để động viên tinh thần bản thân.
Nếu bạn đã thử và sai, hãy lật lại tài liệu để kiểm tra xem mình sai ở điểm nào và sửa lại cho đúng, và tiếp tục điều này, xuyên suốt thời gian học của mình.
Khoa học đã chứng minh rằng số lượng lỗi sai của thao tác có xu hướng giảm dần sau quá trình lặp đi lặp lại hoạt động, do não bộ đã ghi nhớ và "tránh" mắc lại lỗi sai ở những lần thử tiếp theo (9). Điều quan trọng là khi bạn liên tục luyện tập chia động từ với các dạng thức khác nhau trong thời gian dài, trí thông minh kết tinh (crystalized intelligence) của bạn sẽ được "bồi đắp", khiến khả năng xử lý ngôn ngữ của bạn trở thành thói quen.
Điều này lý giải cho việc những phiên dịch cabin với hàng chục năm kinh nghiệm dịch thuật có thể chia động từ "trơn tru như cháo chảy", dù phải đối mặt với những bản dịch khó và những giây phút có phần ngẫu hứng của diễn giả. Chính việc liên tục làm bài tập chia động từ, đổi vai trong hội thoại (role-play)... là những hình thức luyện tập giúp não bộ của bạn hoạt động tốt hơn khi gặp các hình thái động từ khác nhau trong câu.
Việc học ngoại ngữ mới chưa bao giờ là điều dễ dàng, song, sự kiên trì kết hợp với các phương pháp học tập đúng đắn sẽ giúp bạn chinh phục con đường trở thành "polyglot" chính hiệu.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Giáo Dục?
Cập nhật những thông tin mới nhất về giáo dục.