Việc huấn luyện chó từ rất sớm có thể loại bỏ rủi ro chúng tấn công thú nuôi của người khác. Ngoài ra, cún cưng cũng nên có cơ hội giao lưu với những con vật khác để rèn tính thân thiện và học cách chia sẻ không gian chung.
Chó không được giao lưu với những thú nuôi khác sẽ bắt đầu thể hiện bản năng tấn công thú lạ ở độ tuổi từ 6 tháng trở lên. Bản năng này xuất phát từ lý do trong thiên nhiên, lãnh thổ đóng vai trò rất quan trọng cho sự sinh tồn của bầy chó. Chó trưởng thành trong môi trường hoang dã sẽ không cho phép những con vật khác xâm phạm, chiếm thức ăn hay gây nguy hiểm cho bầy chó con của đàn.
Khi còn bé, chó con chưa thể hình thành khái niệm về ranh giới nhưng từ 6 tháng tuổi, chúng sẽ bắt đầu phân biệt lãnh thổ của mình. Vì thế, bạn nên thường xuyên cho chó con từ 2 đến 4 tháng tuổi giao lưu với những chú chó và chú mèo khác ở xung quanh.
Tuy nhiên, nếu bạn nuôi một chú chó chưa giao lưu nhiều và từng có lịch sử tấn công những con vật khác thì có thể tham khảo những phương pháp mà LeLa Journal gợi ý dưới đây.
Để ngăn chó tấn công con vật khác, bạn nên bắt đầu dạy nó không được giật dây khi đi bộ với dây dắt chó. Khi vừa ra khỏi nhà, nếu chú chó bắt đầu kéo dây và lôi bạn theo, hãy dừng lại ngay lập tức, không cần nói gì và cũng không cần la mắng. Bạn hãy kiên nhẫn chờ chú chó dừng theo rồi mới tiếp tục đi. Có lẽ, bạn phải lặp lại điều này từ 10 đến 20 lần để cún cưng ngầm hiểu không được kéo dây trước khi đi 100m đầu tiên cùng nhau. Chó chưa được huấn luyện sẽ cần từ 2 đến 10 ngày để thuần thục kỹ năng đi bộ không được kéo dây. Tất nhiên, điều này cũng tùy vào tần suất mà bạn luyện tập cho chú chó.
Sau khi chó đã quen với việc không giật dây dắt chó, bạn hãy tập cho nó "ngồi yên" đột xuất khi đang đi trên đường, bằng cách dừng lại đột ngột và nói hiệu lệnh "ngồi". Bạn hãy để cho nó ngồi yên 10 giây, sau đó hãy đi tiếp. Nếu cún cưng đứng lên bỏ đi chỗ khác trước 10 giây, bạn hãy lặp lại bài tập này cho đến khi nó ngồi yên theo ý của bạn. Bạn có thể tìm hiểu thêm về cách dạy chó ngồi tại đây.
Nếu cún đã thạo hai kỹ năng trên, bạn hãy cho chúng giáp mặt với những thú nuôi khác trong xóm để tập giao lưu. Và để ngăn chó của mình vồ tấn công các con vật khác, bạn hãy thực hiện 5 bước sau:
Khi thấy chó lạ ở khoảng cách từ 10 đến 20m, bạn cần chủ động quan sát và đánh giá hành vi của chó nhà mình. Nếu nó nhìn chằm chằm về phía con chó lạ, tai vểnh lên, thân trên hướng về phía trước, người rướn lên, thì đây là những dấu hiệu cho thấy nó sẽ nhào đến vồ con chó lạ.
Bạn hãy giật mạnh vào dây dắt chó ở góc 90 độ và nói "không", rồi tiếp tục giật dây cho đến khi nó không còn nhìn về hướng con chó lạ. Sau đó, bạn có thể tiếp tục đi về phía trước nhưng luôn để ý hành vi của chú cún. Thực hiện cách này giúp bạn tiếp tục đi bộ trên đường mà không cần phải né tránh các con chó lạ.
Khi hai chú chó ở cự ly gần từ 1 đến 2m, nếu chú cún của bạn bắt đầu nhào về phía chó lạ, bạn cần giữ chặt dây, kéo dây ở góc 90 độ, giữ thăng bằng cho mình, dùng chân phải của bạn đẩy mạnh vào hông phải của chú chó vài lần cho đến khi nó ngưng nhào về phía trước. Lưu ý là động tác này không yêu cầu bạn đá chú chó, mà chạm đủ mạnh vào hông chó để nó ngừng nhào đến con chó khác.
Cách này giúp chú chó của bạn tập thói quen chia sẻ không gian với những con vật khác. Bạn cũng nên cho những con chó khác tự nguyện lại gần tìm hiểu chó của bạn. Nếu nó bắt đầu đứng lên, dựng lông, bạn hãy lặp lại bước 2 và bước 3 hàng ngày và cho đến khi nó bình tĩnh ngồi nhìn những con chó khác.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Thú Cưng?
Chia sẻ những phương pháp thiết thực giúp bạn chăm sóc thú cưng.