Với trẻ, trường học là một xã hội thu nhỏ, nơi con phải làm quen với nhiều va chạm mới trong cuộc sống, như bạn mới, môi trường mới, bài học mới, kỷ luật mới, áp lực và trách nhiệm mới… Những va chạm này sẽ thúc đẩy kỹ năng sống cũng như nhận thức của con, tuy nhiên, đồng thời đóng vai trò như chất xúc tác kích thích những nỗi lo lắng tiềm ẩn bên trong con.
Trường học là chất xúc tác thúc đẩy các phẩm chất của con như tính kiên nhẫn, sự thấu hiểu, khả năng lắng nghe, tinh thần trách nhiệm... khi tiếp xúc với những tính cách và ý kiến khác nhau từ những con người khác nhau. Những va chạm về tính cách có thể dẫn đến sự lo lắng, bồn chồn và bức bối trong lòng con trẻ nếu như không được chia sẻ, giãi bày.
Lo lắng là trạng thái bất an khi đối mặt với một tình huống khó khăn gây cản trở cho chúng ta, hay xuất phát từ một suy nghĩ và liên tưởng về một viễn cảnh xấu có thể xảy đến. Cách tốt nhất không phải là trốn tránh nó, mà là có thể đối mặt, cũng như không chống đối lại trạng thái tâm lý này, cho đến khi mỗi người có thể tự vượt qua. Như vậy, với một đứa trẻ thiếu kinh nghiệm sống, chưa va chạm nhiều với cuộc đời, thì lo lắng là một điều dễ hiểu. Mức độ lo lắng này tích tụ đủ có thể dẫn đến việc từ chối tham dự các lớp học, hay còn gọi là EBSA (tức trốn học dựa trên cảm xúc hay nghỉ học do lo lắng quá mức).
Nếu con đang phải vật lộn với những nỗi lo lắng hoặc từ chối trải nghiệm học đường, cha mẹ cần nhạy bén nắm bắt vấn đề để có thể chia sẻ và hỗ trợ con. Dưới đây, LeLa Journal gợi ý những cách tiếp cận giáo dục trẻ để con có một tâm thế vững vàng và hạn chế tối đa lo lắng chốn học đường.
Trẻ con thường dễ bộc lộ những cảm xúc bên trong trên nét mặt và cách con cư xử trong đời sống. Khi con buồn, ánh mắt con không thể nào hoạt bát như thường ngày, và con cũng dễ chán chường khi tham gia các hoạt động, sinh hoạt khác nhau. Khi con lo lắng, con sẽ không đủ kiên nhẫn để hoàn thành một việc được giao, con sẽ dễ nản chí, trì trệ, gương mặt của con cũng biểu hiện sự suy tư, thiếu hoạt bát... Những lúc này, cha mẹ không nên ép con phải vui vẻ hơn, phải năng động hơn, phải hòa nhập hơn... mà cần tinh ý biết rằng những biểu hiện này của con đều có nguyên do đằng sau và con đang cần sự lắng nghe, thấu hiểu và giúp đỡ. Hãy chọn một thời điểm thích hợp, có thể sau khi cho con thưởng thức món ăn mà con yêu thích nhất, tâm trạng của con khá hơn, bạn hãy hỏi con về điều gì khiến con đang lo lắng. Lúc này, con cũng cởi mở để bộc lộ với bạn, và từ đó, bạn có thể đưa ra những gợi ý để giúp con đối diện với vấn đề của chính mình, thay vì trốn tránh nó, đồng thời khuyến khích con sáng tạo những cách để có thể giải quyết vấn đề một cách hợp tình hợp lý.
Điều quan trọng bạn cần cho con cảm thấy nhất là con không đơn độc, con không một mình, xung quanh con vẫn có những người như cha mẹ luôn sẵn sàng lắng nghe và hỗ trợ con bất cứ lúc nào con cần. Vì nhiều trẻ nhỏ khi rơi vào trạng thái lo lắng thường mặc định rằng con rất đơn độc, và tự dằn vặt với những suy diễn, lo âu bên trong.
Cha mẹ nên là những người lặng lẽ và âm thầm quan sát con và biết được các mối quan hệ của con, cách mà con cư xử bên ngoài môi trường gia đình, vì thông qua đó, cha mẹ mới biết tính cách con đang phát triển theo chiều hướng ra sao, và cần hỗ trợ như thế nào.
Khi về nhà, con có thể cư xử khác với con ở trường học - khi con trong mối quan hệ với bạn bè và thầy cô. Vì thế, để biết tâm lý và hành xử của con ở bên ngoài, cha mẹ nên giữ liên hệ với giáo viên chủ nhiệm của con, để nghe họ chia sẻ về cách con ứng xử trên lớp. Đồng thời, cha mẹ cũng nên biết một số bạn mà con thường chơi cùng, để tìm hiểu về cách con đối xử với bạn bè ra sao và liệu con có gặp khó khăn gì trong chuyện kết bạn hay không.
Thông qua những mối liên hệ này, cha mẹ cũng rõ biết phần nào nguyên nhân cho sự lo lắng nơi con, từ đó, nhờ thầy cô và các bạn hỗ trợ về giao tiếp cũng như tinh thần. Đồng thời, thông qua những mối liên hệ này, bạn có thể tiếp cận con một cách gần hơn với những vấn đề khó khăn mà con đang trải qua, từ đó con có cảm giác rằng con đang được giúp đỡ, lắng nghe và thấu hiểu. Sự lo lắng nơi con vì thế mà giảm bớt.
Một trong những nguyên nhân kích thích lo lắng ở con là việc phải đối diện với hoàn cảnh sống mới như bạn mới, giáo viên mới, môn học mới, môi trường mới... Chính những thứ mới mẻ này khiến con có cảm giác không chắc chắn về khả năng của mình, một cảm giác "ngợp" trước quá nhiều trải nghiệm mới mẻ. Để hạn chế tình huống này, ngay từ khi con còn nhỏ, cha mẹ nên khuyến khích con "va chạm" với những điều mới mẻ và có thể chọn lúc thích hợp để cùng con trải nghiệm những điều đó với tâm thế hứng khởi và tò mò. Chẳng hạn như dẫn con về quê và cho con chơi cùng những người bạn nhỏ ở xóm làng, làm những công việc thôn quê phù hợp với trẻ nhỏ, cho con thử nghiệm những kỹ năng mới như chơi đàn piano, dạy con tập bơi, cho con tham gia những hoạt động tình nguyện...
Cha mẹ hãy tiếp cận điều này làm sao để con thấy được những trải nghiệm mới trong cuộc sống là đáng giá, vừa làm giàu tâm hồn con, vừa gây sự hứng khởi, thú vị, vừa kích thích trí tò mò, tìm hiểu... đồng thời giúp con mở lòng ra với thế giới xung quanh. Bởi việc trải nghiệm hết mình này giúp con không bị lo lắng về kết quả, mà tập trung tận hưởng hành trình.
Cách tiếp cận này sẽ giúp con có một tâm thế tương tự khi bước vào trường học, để con có thể xem việc học như một trải nghiệm mới trong cuộc sống, không đặt nặng thành tích hay so sánh được hơn với bạn bè, từ đó mà tận hưởng hơn, nhẹ nhàng hơn, nhưng vẫn tập trung và hết mình với việc học.
Đức tính tự lập và độc lập vô cùng quan trọng trong đời sống, đặc biệt khi mà môi trường bên ngoài mà con chạm trán luôn luôn biến đổi và không chắc chắn. Việc luôn đưa ra cho con những điều kiện hoàn hảo đôi khi không phải là cách tiếp cận khôn ngoan, mà làm sao để con có thể tự làm một việc nào đó theo cách của mình, và cha mẹ chỉ đơn thuần là những người chứng kiến, quan sát và hỗ trợ con lúc con thực sự cần.
Cách dạy con này cũng được nhiều bậc cha mẹ ở Nhật Bản ứng dụng, tức họ có thể để cho con mình tự xoay xở mọi thứ, và họ đơn giản là giám sát chứ không làm thay con. Họ đánh giá lúc nào là cần thiết để con tự thân vận động, và lúc nào cần can thiệp để khuyến khích giúp đỡ con. Ở vài tuổi đầu đời, các bé Nhật Bản đã được hướng dẫn để tự dọn dẹp, tự vận động... rồi sau đó được dạy kỹ năng đàn, hát, chơi thể thao... cho đến khi vào tiểu học, các bé có đủ kỹ năng để tự hòa đồng vào cộng đồng mới.
Các bậc cha mẹ Nhật Bản giúp con họ nắm vững từng bước này, tạo cho con cơ hội và động lực để hoàn thành những công việc độc lập, giúp con rèn giũa kỹ năng sống và tự xử lý những cảm xúc và suy nghĩ bên trong. Từ đó, một chương trình truyền hình nổi tiếng mang tên Hajimete No Otsukai (Công việc đầu tiên của tôi) cũng ra đời dựa trên triết lý này, nơi trẻ em khoảng 4 tuổi được giao hoàn thành một nhiệm vụ cho gia đình như mua hàng tạp hóa. Với họ, làm việc vặt một mình là một việc nhỏ giúp nuôi dưỡng kỹ năng độc lập.
Độc lập là bài học xuyên suốt cuộc đời một con người. Nó cho thấy khả năng sinh tồn và cấp độ nhận thức của người đó trong mọi hoàn cảnh sống. Vì thế, việc cha mẹ không bao bọc con lại giúp con phát huy tốt tính độc lập này, và từ đó con cũng có khuynh hướng không rơi vào trạng thái lo lắng, bất an khi đối diện với những tình huống khác nhau ở chốn học đường.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Cha, Mẹ & Bé?