Ngoài những biến đổi về mặt sinh lý như nhạy cảm với mùi, cơ thể dễ mệt mỏi... thì đa số phụ nữ mang thai đều phải đối diện với những áp lực về tâm lý, từ những thay đổi hữu hình như rối loạn hormone khiến tâm trạng thất thường, đến những gánh nặng vô hình như kỳ vọng mà xã hội, gia đình đặt ra. Những thay đổi này diễn ra trong thời gian dài có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của người mẹ, cũng như mối liên hệ tình cảm trong gia đình, đặc biệt là với đứa bé sắp chào đời. Tuy nhiên, nếu chuẩn bị đầy đủ kiến thức để nhận biết và thấu hiểu những vấn đề này, các bà mẹ tương lai có thể đối diện khó khăn một cách bình thản hơn.
1. Hay lo lắng
Sự thay đổi nội tiết tố khi mang thai có thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển nhận thức bên trong não. Việc không thể kiểm soát mọi thứ dẫn đến tình trạng lo lắng, căng thẳng kéo dài. Nhiều mối bận tâm thường xuất hiện như bận tâm về sự thay đổi bên ngoài của cơ thể, bận tâm về sức khoẻ của con, bận tâm về tương lai, công việc của bản thân khi con chào đời... Lo lắng là dấu hiệu tâm lý dễ thấy ở phụ nữ mang thai vì hành trình làm mẹ là một hành trình mới mẻ và có nhiều biến số khác nhau (1).
Song song đó, nhiều người mẹ dễ bị "ngộp" trong "ma trận thông tin" về dinh dưỡng, cách đối phó với ốm nghén, hoặc vô vàn chỉ dẫn cách nuôi dạy con phát triển tốt. Tâm lý phụ nữ cũng dễ bị ảnh hưởng bởi những nhận xét về ngoại hình khi mang thai. Đặc biệt, người phụ nữ cầu toàn thường dễ trở nên lo lắng, trầm cảm khi mang thai và có nhiều nguy cơ mắc chứng trầm cảm sau sinh hơn (2).
2. Tâm trạng thay đổi thất thường
Những thay đổi nhanh chóng trong nội tiết tố cũng là lý do khiến nhiều thai phụ dễ thay đổi tâm trạng từ lo lắng, thấp thỏm, đến hồi hộp, biết ơn. Việc trải qua những thăng trầm cảm xúc thường xuyên trong thời gian này là điều hoàn toàn tự nhiên (1). Tuy nhiên, nếu không chú ý đến việc thay đổi tâm trạng thất thường hoặc không hiểu rõ nguyên nhân kéo dài của nó có thể ảnh hưởng đến tâm lý của người mẹ, đến cảm xúc của người mẹ dành cho con sau sinh, thậm chí dẫn đến trầm cảm sau sinh.
3. Đãng trí
Mang thai làm thay đổi não bộ của phụ nữ. Khi bạn trải qua nhiều thay đổi, việc mất tập trung hoặc trí nhớ có phần giảm sút là điều hiển nhiên. Việc này diễn ra đối với cả những người phụ nữ rất giỏi tổ chức hoặc có tính đa nhiệm trong công việc, họ vẫn gặp khó khăn khi ghi nhớ những điều nhỏ nhặt trong đời sống (1). "Mommy brain" hay "pregnancy brain" là thuật ngữ dùng để chỉ tình trạng suy giảm trí nhớ của các bà mẹ trong thời gian thai kỳ hoặc sau khi sinh con. Ngoài chứng đãng trí, các bà mẹ khi mang thai cũng có thể rơi vào tình trạng mất kiểm soát ngôn ngữ, giảm thiểu khả năng tập trung và ảnh hưởng đến sự nhạy bén (3).
Những dấu hiệu hay biến chuyển tâm lý của phụ nữ mang thai có thể xảy ra vào các giai đoạn thai kỳ khác nhau. Việc thấu hiểu những chuyển biến ở từng giai đoạn sẽ giúp thai phụ và những người đồng hành dễ dàng vượt qua hơn.
Trong 3 tháng đầu thai kỳ, người mẹ thường trải qua những dao động cảm xúc thất thường. Nó hoàn toàn có thể xen lẫn cảm xúc tích cực (như phấn khích, hạnh phúc và vui vẻ) và những cảm xúc khá tiêu cực (như hoài nghi, võ đoán, lo lắng và khóc nhiều) (4). Những cảm xúc này có thể bị phụ thuộc vào nhiều yếu tố chứ không chỉ tâm lý người mẹ. Chẳng hạn như những khó chịu thể chất khi mang thai như buồn nôn, bệnh trào ngược dạ dày, mất ngủ... hoặc tác động tinh thần như việc mang thai ngoài kế hoạch, tình hình tài chính và sự hỗ trợ của gia đình bị hạn chế, hay cảm giác mất tự lập, bị phụ thuộc (4).
Nhìn chung, hầu hết những người phụ nữ khi mang thai đều trải qua cảm giác tương tự thế này. Do vậy, người mẹ phải chuẩn bị tâm lý để thư giãn mỗi ngày, tránh việc thiếu ngủ hoặc lo lắng càng khiến tâm trạng trở nên tồi tệ hơn (1).
Đến 3 tháng tiếp theo của thai kỳ, mặc dù vài biến động tâm trạng vẫn tiếp diễn nhưng cảm giác tiêu cực đã giảm bớt vì người mẹ dần quen với sự hiện diện của một sinh linh trong cơ thể. Bên cạnh đó, những triệu chứng vật lý khó chịu như buồn nôn, chóng mặt cũng giảm đi khiến người mẹ dễ chịu hơn. Nghiên cứu đã gợi ý rằng các vấn đề sức khỏe tâm thần (như lo lắng và trầm cảm) ít xảy ra hơn trong tam cá nguyệt thứ hai (so với tam cá nguyệt thứ nhất và thứ ba) (4).
Tuy nhiên, khi ngoại hình có sự thay đổi rõ rệt, người phụ nữ lại dành nhiều quan tâm hơn đến cơ thể. Những cảm xúc tự ti có thể bắt đầu xuất hiện khi bạn thấy bản thân không còn gợi cảm do tăng cân quá đà. Mặc dù cảm xúc này là tự nhiên và không diễn ra một cách liên tục, nhưng chúng ảnh hưởng đáng kể đến phụ nữ mang thai về mặt tâm lý (1).
Cảm xúc tiêu cực có thể quay trở lại nhiều hơn trong thời gian 3 tháng cuối thai kỳ. Điều này có thể là do sự khó chịu ngày càng tăng trên cơ thể như đau xương chậu, đau lưng, chuột rút mất ngủ, mệt mỏi và kiệt sức (1). Hơn nữa, những thay đổi tâm lý cũng trở nên nổi bật hơn trong tam cá nguyệt thứ ba (so với tam cá nguyệt thứ nhất và thứ hai) khi mẹ cũng bước vào giai đoạn chuẩn bị đón con ra đời và đối diện với một sinh linh. Cần lưu ý rằng những vấn đề tâm lý đó không mất đi, mà sẽ chuyển đổi dần theo các giai đoạn khi con ra đời và khi con lớn lên.
Hành trình làm mẹ vẫn luôn hiện diện những khó khăn, nhưng song song với đó, vẫn luôn là sự thay đổi thiêng liêng và đầy ý nghĩa. Chính vì thế, hiểu được những vấn đề tâm lý có khả năng gặp phải là cách để chuẩn bị sẵn sàng đối mặt và vượt qua nó. Lela Journal gợi ý vài cách để những bà mẹ tương lai vượt qua những áp lực tâm lý khi mang thai:
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Cha, Mẹ & Bé?