Cả một thế hệ trẻ em đang lớn lên cùng với tivi, điện thoại thông minh, máy tính bảng và nhiều thiết bị điện tử khác. Việc tiếp cận với công nghệ hiện đại từ sớm sẽ đẩy nhanh tiến trình hòa nhập xã hội, tạo điều kiện để trẻ thích nghi với sự thay đổi không ngừng của thế giới, nhưng đồng thời, không ít nghiên cứu đã kết luận được rằng điều đó ảnh hưởng khá nhiều đến cấu trúc não bộ, khả năng học tập và các vấn đề khác trong sự phát triển của trẻ.
Theo bác sĩ nhi khoa, nhà nghiên cứu lâm sàng John Hutton, não trẻ em phát triển nhanh nhất trong 5 năm đầu tiên. Đó là giai đoạn não bộ "mềm dẻo", có thể tiếp thu mọi thứ và hình thành nên những kết nối (trong cấu trúc não) mạnh mẽ và tồn tại suốt cuộc đời (1). Tuy nhiên, trong một nghiên cứu quét não những đứa trẻ từ ba đến năm tuổi, các nhà khoa học nhận thấy những bạn nhỏ dành thời gian nhìn màn hình (screen time) nhiều hơn mức khuyến nghị là một giờ mỗi ngày thường có mức độ phát triển các vùng chất trắng (white matter) trong não thấp và lộn xộn hơn (2). Đây là khu vực chịu trách nhiệm cho việc phát triển ngôn ngữ, khả năng đọc viết và nhận thức.
"Hãy xem chất trắng như dây cáp - đường dây điện thoại kết nối những khu vực khác nhau trong não để chúng trò chuyện với nhau" - Tiến sĩ John Hutton cho biết (1). Thiếu sự phát triển của những "dây cáp", não bộ sẽ phát triển chậm lại. Khi gặp vấn đề về chất trắng, chúng ta khó học và khó ghi nhớ điều mới. Trong nghiên cứu trên, trẻ em từ ba tới năm tuổi sử dụng màn hình nhiều sẽ đạt điểm thấp hơn trong bài kiểm tra từ vựng và đọc viết, so với những trẻ ít sử dụng.
Những năm đầu đời nên là giai đoạn mà cha mẹ tập trung vào sự tương tác, khuyến khích con nói chuyện và chơi đùa với người chăm sóc để phát triển tư duy toàn diện. Tuy nhiên, thời gian sử dụng tivi, điện thoại, máy tính bảng đã cản trở những trải nghiệm quan trọng này, khiến trẻ không thể củng cố mạng lưới não bộ hữu ích, vì càng thực hiện điều gì nhiều, não bộ càng củng cố các kết nối liên quan.
Về hành vi sử dụng các thiết bị có màn hình, các nhà nghiên cứu còn nhận ra một kiểu mẫu điển hình: phần lớn những đứa trẻ dành nhiều thời gian với màn hình lại lớn lên trong gia đình dành khoảng thời gian tương tự cho công nghệ. Ví dụ, trẻ có lượng thời gian sử dụng thiết bị trong năm giờ sẽ có cha mẹ sử dụng trong 10 giờ, và các thiết bị này thường theo trẻ đi khắp nơi, như mang đi ăn, lên giường ngủ, đến sân chơi… (1).
Đặc biệt, tình trạng trẻ lệ thuộc vào thiết bị điện tử đã tăng đáng kể, kể từ sau đại dịch COVID-19 (2). Do phải hạn chế các hoạt động ngoài trời, phụ huynh cho phép trẻ lên mạng để học online, giải trí, dẫn đến thói quen sử dụng nhiều hơn.
Việc cha mẹ dùng thiết bị di động trong giờ chơi với con cái còn làm tăng mức độ buồn đau ở trẻ. Một nghiên cứu quan sát 50 trường hợp mẹ và trẻ sơ sinh đã chỉ ra rằng khi cha mẹ nhìn vào thiết bị, dù chỉ trong hai phút, trẻ sẽ có xu hướng tỏ ra buồn bã, ít cảm xúc tích cực và ít đụng đến đồ chơi hơn một cách đáng kể (3).
Khi thấy con khóc, phản ứng thường thấy ở nhiều bậc phụ huynh là dỗ bằng cách cho bé xem gì đó vui nhộn trên tivi hoặc điện thoại. Thế nhưng, hành động xoa dịu trẻ bằng các thiết bị kỹ thuật số này có thể dẫn đến nhiều vấn đề hơn về phản ứng cảm xúc (4).
Thí nghiệm quan sát mức độ rối loạn trong việc kiểm soát hành vi của trẻ từ ba tới năm tuổi cho thấy rằng thường xuyên sử dụng thiết bị điện tử để đánh lạc hướng con khỏi hành vi khó chịu và gây rối như nổi cơn thịnh nộ, la hét, khóc lóc, tỏ ra thất vọng, nằm lăn ra sàn... sẽ khiến tình trạng rối loạn cảm xúc ở trẻ nặng hơn và không tốt cho trẻ về lâu dài.
Việc sử dụng công nghệ để dỗ con làm mất đi cơ hội dạy bé cách phản ứng lành mạnh với cảm xúc khó khăn, đồng thời củng cố rằng thể hiện những cảm xúc đó là cách tốt nhất để trẻ đạt được điều chúng muốn, ví dụ như chơi điện tử hoặc xem chương trình truyền hình yêu thích.
Thông thường, lạm dụng công nghệ thời thơ ấu sẽ dẫn đến thời lượng sử dụng thiết bị gia tăng khi trẻ lớn. Vấn đề này phổ biến đến mức Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) đã ban hành các khuyến nghị về việc sử dụng phương tiện công nghệ của trẻ em như sau (5):
Từ chậm phát triển đến các vấn đề về tinh thần, trẻ em lớn lên trong thời đại tiến bộ công nghệ sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Theo Trung tâm Công nghệ Nhân đạo (Center for Humane Technology), việc tiếp xúc với công nghệ kỹ thuật số ở mức độ không hạn chế có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng tới sự phát triển của trẻ nhỏ, tạo ra những thay đổi vĩnh viễn trong cấu trúc não bộ, tác động đến cách trẻ suy nghĩ, cảm nhận và hành động trong suốt cuộc đời (6).
Thời gian sử dụng màn hình nhiều đồng nghĩa với tiến trình phát triển chậm hơn trên các phương diện như ngôn ngữ, kỹ năng giải quyết vấn đề và tương tác xã hội ở trẻ từ hai tới năm tuổi. Các phân tích đã chỉ ra rằng, thời lượng trẻ sử dụng thiết bị có màn hình liên quan đáng kể đến mức độ chậm phát triển của trẻ trong 12-14 tháng sau đó (7).
Đây là giai đoạn quan trọng mà các nhà nghiên cứu đã nhấn mạnh: việc tiếp xúc với màn hình quá nhiều trong những năm đầu đời sẽ gây ra tác động nghiêm trọng, ảnh hưởng đến khả năng phát triển tối ưu của trẻ.
Không dừng lại ở đó, khi lớn hơn, các bạn nhỏ bắt đầu tiếp xúc với mạng xã hội, môi trường mang đến lợi ích kết
nối liên tục nhưng cũng ẩn chứa nhiều nguy hiểm. Một loạt nghiên cứu đã chỉ ra những tác động tiêu cực mà cha mẹ nên đề phòng:
Không thể bỏ qua những lợi ích to lớn của việc cho trẻ tiếp cận công nghệ. Chúng là công cụ tuyệt vời để con trẻ kết nối với những người bạn ở xa. Một số trò chơi điện tử có khả năng rèn cho trẻ tư duy phản biện, tính sáng tạo, nhanh nhạy để tìm cách giải quyết vấn đề. Những bộ phim và chương trình giáo dục mở ra một thế giới rộng lớn để trẻ thỏa sức học hỏi, sẵn sàng chuẩn bị cho việc đến trường.
Tuy nhiên, công nghệ chỉ phát huy tối đa lợi ích của nó khi cha mẹ có nhận thức đúng về mức độ sử dụng và đồng hành cùng con trên hành trình phát triển đầy thách thức nhưng cũng nhiều cơ hội.
Để tham khảo thêm về chủ đề này, độc giả có thể đọc một số bài viết đã được đăng tải trên LeLa Journal:
Quản lý trí tuệ cảm xúc khi trẻ sa đà vào mạng xã hội
Mạng xã hội: "Mạng nhện" giăng bẫy tâm lý con người
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Cha, Mẹ & Bé?