Kỳ vọng của cha mẹ với con, đặc biệt như kỳ vọng con có điểm số giỏi, thành tích cao, sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần và thể chất của con. Các bậc cha mẹ theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo và áp đặt lý tưởng này lên con cái, sẽ khiến con trải qua những áp lực và phiền não. Lúc này, phụ huynh cần tự vấn chính mình rằng: “Đó có phải là cách yêu thương và giáo dục lành mạnh!?”
Các nhà nghiên cứu tại Arizona State University đã thiết lập một cuộc điều tra để xem xét thái độ của cha mẹ đóng vai trò như thế nào đối với sức khỏe tâm lý và kết quả học tập của trẻ em. Họ đề nghị 506 học sinh lớp 6 xuất thân từ một cộng đồng giàu có sẽ chọn 3 điều trong 6 điều mà các em tin rằng cha mẹ đang kỳ vọng về họ. Trong đó, có 3 điều liên quan đến thành công cá nhân, chẳng hạn như đạt điểm cao, sự nghiệp thăng hoa sau này. 3 điều còn lại liên quan đến lòng tốt và sự tôn trọng với người khác. Sau đó, các nhà nghiên cứu đã so sánh 506 phản hồi này với mức độ học tập thực tế của trẻ tại trường, xem xét cả điểm số lẫn báo cáo hành vi. Và kết quả khả quan nhất đến từ những đứa trẻ tin rằng cha mẹ chúng coi trọng lòng tốt ngang bằng hoặc cao hơn thành tích cá nhân. Mặt khác, những đứa trẻ cảm thấy cha mẹ chú trọng thành tích hơn là lòng tốt với người khác có nhiều khả năng gặp phải sự tiêu cực như trầm cảm, lo lắng, lòng tự trọng thấp, bị cha mẹ chỉ trích, các vấn đề trong học tập... (1).
Khi cha mẹ đặt lý tưởng đạt thành tích lên lòng nhân ái và sự tử tế, điều đó gây ra sự căng thẳng, trầm cảm, lo lắng và điểm kém nơi con. Đồng tác giả nghiên cứu Suniya Luthar - Tiến sĩ, giáo sư tâm lý tại Arizona State University – cho biết: “Ngay cả khi có một phụ huynh nhấn mạnh nhất vào kết quả học tập, điểm số của con họ vẫn kém hơn.”
Việc cha mẹ kỳ vọng con cái đạt thành tích cao thể hiện quá trình phóng chiếu những lý tưởng sống chủ quan của họ lên con cái, cho thấy tính áp đặt và thể hiện quyền lực của họ lên các con nhỏ. Điều này cũng cho thấy khả năng thiếu lắng nghe, thiếu thấu hiểu và thiếu tôn trọng cuộc đời riêng của con. Vì nuôi dưỡng là quá trình giúp con phát huy đạo đức và tiềm năng bên trong con để con có thể tự tin và vững chãi hơn khi bước vào đời sống, chứ không phải là dùng con để thực hiện lý tưởng và ước mơ riêng của cha mẹ.
Vấn nạn bệnh thành tích hiện vẫn đang phổ biến tại nhiều quốc gia, thậm chí là quốc gia phát triển như Singapore.
Khoa tâm lý học tại Đại học Quốc gia Singapore đã thực hiện một cuộc nghiên cứu kéo dài 5 năm để xem xét sâu hơn cách thức nuôi dạy con cái theo “chủ nghĩa hoàn hảo” có ảnh hưởng ra sao đến trẻ. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng chủ nghĩa hoàn hảo mà cha mẹ áp đặt lên con cái khiến các con cảm thấy nỗ lực của họ không bao giờ là đủ, từ đó trẻ có xu hướng tự phê bình bản thân ở mức độ cao, rơi vào trạng thái lo lắng và trầm cảm rõ rệt. Chuyên gia nhận định trầm cảm và lo lắng ở trẻ là một vấn đề thực sự tại Singapore. Các nhà tâm lý học báo cáo rằng trẻ em phải chịu đựng mức độ căng thẳng cao và sự căng thẳng này đến từ nhiều nguồn: khối lượng công việc học tập, áp lực từ bạn bè, các vấn đề gia đình và cha mẹ có những kỳ vọng không thực tế đều góp phần gây ra những rối loạn tâm lý. Tỷ lệ trầm cảm ước tính là từ 2 – 2,5% dân số vị thành niên. Theo đây, cha mẹ có trách nhiệm quan trọng bởi việc họ thúc ép trẻ thành công có thể quá mức hoặc thậm chí là bệnh lý (2) (3).
Vì sự thúc ép này của cha mẹ, mà nhiều đứa trẻ rơi vào việc sống để làm hài lòng người khác, mà cụ thể ở đây là cha mẹ họ. Người lớn chúng ta thậm chí nhận ra rằng việc sống để thỏa mãn lý tưởng của ai đó là mệt mỏi, là như đang sống cuộc đời của một người khác, chứ không phải của chính mình, thì với một đứa trẻ, chúng ta hãy đặt bản thân mình vào con để thấu hiểu cảm giác khi con phải sống để đạt lý tưởng của ai đó sẽ như thế nào. Chưa kể, việc thúc dục con đạt điểm số cao còn khiến con cố thể hiện hoặc chứng tỏ bản thân. Điều này sẽ tạo ra sự ngạo mạn đồng thời gia tăng nỗi lo lắng và sợ hãi tiềm ẩn. Vì con sẽ thường xuyên lo lắng về những rủi ro trong thành tích học tập, lo sợ nếu điểm số của mình không cao như kỳ vọng, thậm chí dấy lên sự ghen tỵ, so sánh với bạn bè khi bạn bè có điểm số cao hơn mình.
Theo đuổi “chủ nghĩa hoàn hảo” của cha mẹ cũng khiến con lo sợ việc bị thất bại, lo sợ rằng khi điểm số thấp sẽ khiến cha mẹ buồn lòng, tức giận hoặc thậm chí sợ hãi việc bị chia cắt với phụ huynh và con có nguy cơ rơi vào trạng thái tự cô lập. Như vậy, khi phải đeo đuổi lý tưởng của người khác, nội tâm con sẽ có nguy cơ hình thành những cuộc xung đột, và điều này để lại những di chứng tâm lý tiêu cực, từ đó mà kết quả học tập cũng bị ảnh hưởng bởi tinh thần không lành mạnh này.
Tại Việt Nam, ép con học cũng là một trong những vấn nạn của xã hội. Việc cha mẹ ép con học quá nhiều, hoặc chửi mắng con khi con không đạt thành tích cao trong học tập xuất hiện nhiều trên các trang thông tin chính thống, và có thể liệt kê vào trường hợp bạo lực tinh thần. Tình thương không thể đến từ sự nóng giận, so sánh, phán xét, tham lam,… nhưng việc thúc ép con lại đang rơi vào những cực đoan này.
Có không ít bậc cha mẹ khi dạy con chỉ chú tâm đến kết quả, và việc phóng tâm đến kết quả sau cùng đã tạo ra thời gian tâm lý và căng thẳng cho con, khiến con trong lúc học và lúc làm không thể tập trung và tận hưởng tối đa, mà chỉ chăm chăm nghĩ về điểm số, thành tích.
Việc sống hay việc học là một hành trình mà trong đó chúng ta phát huy được thế mạnh tiềm tàng cũng như những giá trị nhận thức đúng đắn. Việc theo đuổi kết quả chỉ khiến người đó mải lấp đầy những tham vọng, áp lực, chỉ khiến cái tôi thêm sâu dày từ đó mà họ ít có khả năng nhận diện bản chất thực của chính mình và tận hưởng mọi cung bậc đời sống.
Có một điều dễ nhận thấy, là một người mải đeo đuổi thành công thì chắc chắn bao giờ cũng gặp thất bại, và khi gặp thất bại, anh ta sẽ dễ buồn phiền, vì lý tưởng thành công bên trong anh ta quá mạnh mẽ. Nhưng nếu một người đơn giản coi thành công và thất bại là một sự đánh giá, một khái niệm của xã hội, còn việc học ra các bài học về lòng kiên nhẫn, lắng nghe, thấu hiểu, can đảm và vững tâm trong bất cứ hoàn cảnh nào mới thực sự quan trọng, thì họ lại không bị dính mắc vào khen - chê, được - hơn, thành – bại. Nếu lấy tư duy này để dạy con, bạn sẽ giúp con khai phóng chính mình, để không làm “tay sai” cho thành tích hay cho vị thế trong xã hội. Lúc ấy, nội tâm con sẽ được tự do khỏi những lời khen chê và so sánh mà đám đông dành cho con hay cho gia đình. Vì con ngầm hiểu rằng giá trị mà con mài giũa khác với đám đông, nhưng con cũng tôn trọng người khác, vì con hiểu rằng họ đang có hay theo đuổi giá trị khác, và sống một cuộc đời khác chính mình.
Cha mẹ như những tấm gương soi, mà khi con soi vào, con có thể thấy chính mình trong đó. Nếu người cha người mẹ có sự tận hưởng tất cả mọi cung bậc trong đời sống, không phê phán bất cứ cung bậc nào, mà thấy mọi cung bậc đều có giá trị riêng để con người khai thác tối đa đức tính và khả năng của họ, thì người con cũng sẽ có xu hướng tận hưởng và hết mình với việc học và việc sống. Nếu cha mẹ coi thất bại là một bài học, thậm chí còn quan trọng hơn thành công, thì người con cũng sẽ chẳng ngại thất bại. Vì trong thất bại, con học được thêm đức tính nhẫn nại, thận trọng… Nếu cha mẹ coi học tập là một trải nghiệm sống đáng quý để thành nhân như bao trải nghiệm quý giá khác, thì con cũng sẽ coi trọng việc học để thành nhân chứ không phải thành công. Bởi vậy, hãy luôn nỗ lực hết mình với hành trình mình đang trải nghiệm, còn kết quả ra sao thì lúc này không còn quá quan trọng nữa.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Cha, Mẹ & Bé?