Ngày nay, tin tức về tội phạm nhan nhản trên các mặt báo, thậm chí, nhiều sản phẩm giải trí còn gặt hái được thành công lớn vì khai thác tâm lý những tên tội phạm. Điều đó dấy lên một câu hỏi rằng điều gì đã tạo nên những kẻ thủ ác mang tâm lý phi nhân tính đến vậy? Ở bài viết này, hãy cùng LeLa Journal xem xét hành vi phạm tội và sự hung hăng dưới góc nhìn sinh học và tâm lý xã hội, để từ đó, chúng ta có thêm một gợi ý 4 bước trong việc dạy con, nhằm hạn chế nguy cơ trẻ trở nên hung hăng và có các hành vi bất thiện trong tương lai.
Những người mắc chứng rối loạn chống đối xã hội thường được mô tả là không đồng cảm được với người khác. Họ có thể nhận biết được khi người khác đang đau đớn hoặc đang cần sự giúp đỡ, tuy nhiên, họ không thể cảm nhận được cảm giác mà người khác đang trải qua (1).
Vậy đây là vấn đề từ tự nhiên hay do nuôi dưỡng mà thành? Liệu có phải như ông bà ta đã nói, rằng "con hư tại mẹ"? Câu trả lời là không, bởi nghiên cứu đã cho thấy lối dạy con không phải là yếu tố duy nhất ảnh hưởng đến hành vi chống đối xã hội của trẻ (2).
Có lẽ bởi thế mà mới có câu "cha mẹ sinh con trời sinh tính", và thực tế là nhiều nghiên cứu đã khẳng định gene ("gien" hay "gen") có vai trò nhất định trong tiến trình hình thành nhân cách chống đối xã hội (3). Như vậy, có thể nói rằng không có một yếu tố đơn lẻ nào quyết định được một nhân cách chống đối xã hội, mà đó lại là kết quả của một tiến trình tổng hòa của nhiều yếu tố, đặc biệt là gen và khả năng tự kiểm soát của từng cá nhân - bao gồm cả lối nuôi dạy của cha mẹ từ khi trẻ còn nhỏ.
Một số gen nhất định, cùng với các tác nhân tiêu cực từ môi trường có liên quan đến một số khiếm khuyết về tâm-thần-kinh như rối loạn tăng động giảm chú ý (4), khả năng tự kiểm soát bản thân ở mức thấp (5), sự hung hăng và các hành vi chống đối (6).
Khi phân tích dữ liệu từ nhiều nghiên cứu, các học giả đã kết luận rằng có tồn tại mối liên kết chặt chẽ giữa gen monoamine oxidase (MAOA) và sự hung hăng ở trẻ. Cụ thể, MAOA là một gen tạo ra enzym có chức năng bẻ gãy các amine dẫn truyền thần kinh như dopamine, serotonin và adrenaline (3).
Gen MAOA ở mức hoạt động thấp (MAOA-L) có tương quan với mức độ hung hăng và hành vi bạo lực. Dữ liệu từ nghiên cứu năm 2007 cho thấy những người có gen MAOA-L thường quá nhạy cảm, họ dễ bị ảnh hưởng bởi những trải nghiệm tiêu cực hơn, do đó, trẻ phản ứng hung hăng như một cách để phòng vệ (3).
Các học giả cũng chỉ ra rằng gen có thể bị kích hoạt bởi môi trường để tạo ra tính hung hăng. Trong thí nghiệm, cả hai nhóm khách thể (nhóm đối chứng và nhóm thực nghiệm) trong nghiên cứu đều có mức độ hung hăng tương đương nhau trong điều kiện không có kích thích tiêu cực từ môi trường; tuy nhiên, khi có sự kiện kích hoạt, nhóm MAOA-L biểu hiện mức độ hung hăng cao hơn rõ rệt (3).
Kết quả tương tự được tìm thấy ở một nghiên cứu dài hạn thực hiện trên số lượng lớn trẻ em. Việc vừa có gen MAOA-L vừa có trải nghiệm bị ngược đãi khi còn nhỏ có thể dự đoán chính xác hành vi phạm tội của trẻ trong tương lai (3).
Mức độ tự kiểm soát của mỗi người có thể dự đoán được phần lớn các hành vi phạm tội. Nhiều nghiên cứu cũng đồng ý rằng lối dạy con là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến cả mức độ kiểm soát bản thân lẫn hành vi chống đối (7).
Lối dạy con phù hợp và hiệu quả sẽ giúp trẻ có mức độ tự kiểm soát cao; và ngược lại, một lối dạy con không phù hợp và kém hiệu quả sẽ khiến trẻ có mức độ tự kiểm soát thấp. Đáng chú ý là kết quả nghiên cứu cho thấy lối dạy con và gen của đứa trẻ sẽ cùng ảnh hưởng đến mức độ tự kiểm soát và sự chống đối ở trẻ.
Do đó, MAOA và một gen khác là DAT1 được xem như là các "gen chống đối" bởi chúng có thể gia tăng những ảnh hưởng tiêu cực từ lối dạy con không phù hợp lên mức độ tự kiểm soát của trẻ (7).
Theo lý thuyết về sự tự kiểm soát, lối dạy con hiệu quả và phù hợp bao gồm: việc quan sát hành vi của trẻ, nhận diện các hành vi chống đối xã hội và quan trọng là điều chỉnh hành vi của trẻ. Những đứa trẻ có thể kiềm chế bản thân trước những món phần thưởng tức thời sẽ nhạy cảm hơn trước nhu cầu của người khác và thường ít có xu hướng dùng quyền lực và bạo lực để ngay lập tức lấy được các phần thưởng từ người khác (8).
Vậy, các yếu tố sinh học, môi trường, và xã hội đều có liên quan đến những hành vi phạm tội. Cụ thể, hoạt động của gen MAO-A ở mức độ thấp có tương quan thuận với hành vi hung hăng, nhưng ảnh hưởng của nó có thể được điều tiết bởi các yếu tố môi trường. Tiến trình tương tác giữa các yếu tố môi trường và gen tạo ra kết quả là hành vi và các hệ quả tâm lý (7), (9).
Các gen như MAOA và DAT1 tác động đến các hành vi phạm tội bởi vì gen cộng hưởng với tác nhân từ môi trường sẽ hình thành các đặc tính tâm thần kinh như mức độ tự kiểm soát (7).
Tuy nhiên, rõ ràng là chúng ta không thể lựa chọn gen của mình hay của người khác (3).
Một cách tiếp cận để tạo ra sự thay đổi khả dĩ nhất trong tương quan này là hướng đến gia tăng mức độ tự kiểm soát ở trẻ. Khi thấy trẻ có dấu hiệu bạo lực, hung hăng và thường xuyên làm sai mà không tỏ ra hối lỗi hay sửa sai, cha mẹ cần tham khảo ý kiến chuyên gia.
Bên cạnh đó, một trong những cách cải thiện mức độ tự kiểm soát của trẻ là hướng dẫn trẻ lên kế hoạch chống lại phần thưởng tức thời và kiên định với mục tiêu lâu dài. Kế hoạch này là kế hoạch "khi … thì …" (10).
Kế hoạch "khi … thì …" bao gồm 4 bước và tùy vào độ tuổi của trẻ, cha mẹ có thể linh động hướng dẫn trẻ theo cách phù hợp.
Bước 1: Trẻ tưởng tượng cảm giác tuyệt vời khi hoàn thành được việc cần làm. Cha mẹ đặt các câu hỏi gợi mở để trẻ hình dung được cảm giác khi trẻ đạt được mục tiêu, ví dụ như trẻ sẽ cảm thấy như thế nào khi trẻ hoàn thành được mục tiêu, trẻ thu hoạch được những gì từ quá trình đó...
Bước 2: Trẻ xác định các trở ngại có thể có trong diễn trình đó. Cha mẹ có thể cùng trẻ tìm ra những yếu tố cản trở thôi thúc hành động của trẻ. Những yếu tố đó như là một phần thưởng tức thời khiến trẻ khó cưỡng lại được, đặc biệt đối với những trẻ có mức độ tự kiểm soát thấp.
Đó có thể là chiếc điện thoại hoặc TV với rất nhiều bộ hoạt hình hấp dẫn khiến trẻ không muốn đọc sách, hoặc đó có thể là bộ trò chơi trẻ mới được tặng khiến trẻ không muốn tập thể dục.
Bước 3: Lên kế hoạch vượt qua trở ngại. Ở bước này, cha mẹ hướng dẫn lên kế hoạch về việc: Khi có phần thưởng tức thời thì con nên làm gì? Điều này giúp trẻ có hình dung về cách phản ứng lại những phần thưởng tức thời, nhất là chống lại sự lôi cuốn của các phần thưởng tức thời. Ví dụ, kế hoạch vượt qua cám dỗ khi tập đọc sách của trẻ lớp 1 có thể là "Khi con muốn xem TV thay vì tập đọc, thì con sẽ gọi bạn con đến và cùng tập đọc, sau khi cả hai cùng đọc xong bài thì con và bạn sẽ cùng xem TV".
Bước 4: Tận hưởng thành quả. Mỗi khi trẻ thực hiện thành công kế hoạch chống lại phần thưởng tức thời, người lớn cần cho trẻ thấy sự động viên, khích lệ, và sự tự hào của chúng ta dành cho trẻ thông qua phần thưởng, chẳng hạn như lời khen, một cái ôm, một chuyến đi chơi, một cái đập tay...
Giáo dục con là một hành trình dài, do đó, cũng sẽ cần thời gian dài để chúng ta cùng trẻ xây dựng sự tự kiểm soát. Và trong hành trình đó, chắc chắn trẻ vẫn sẽ chùn bước đôi lần, đó chính là những thời điểm mà cha mẹ cũng cần luyện tập sự tự kiểm soát chính mình để đồng hành cùng trẻ. Như vậy, mức độ hoạt động của gen MAOA trong cơ thể cũng không chắc chắn sẽ dẫn tới những kết quả không mong muốn ở trẻ.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Giáo Dục?
Cập nhật những thông tin mới nhất về giáo dục.