Từ bài trước, LeLa Journal đã nói về việc khi xem phim hành động thì ăn nhiều đồ ăn vặt cũng là chuyện quá phổ biến. Trong bài này, chúng ta sẽ nói kỹ hơn về quầy bán đồ ăn vặt này. Có phải chúng ta đang góp phần duy trì sự tồn tại cho các rạp chiếu phim bằng cách chi tiền cho những túi bắp rang bơ đắt... hơn cả vé xem phim?
Trước khi phân tích sâu hơn, chúng ta cần nhớ lại rằng bỏng ngô-bắp rang (popcorn) vốn không phải một dạng thực phẩm lành mạnh, như chúng ta đã phân tích ở bài trước. Bên cạnh đó, trong bắp rang thường có acrylamide—một chất gây độc cho thần kinh của con người, và đáng ngạc nhiên là việc chuẩn bị bắp rang bằng... lò vi sóng lại cho ra phần bắp rang chứa ít acrylamide hơn các phương thức chuẩn bị khác (1). Tại các quầy bán đồ ăn ở rạp chiếu phim hiện nay, bắp rang bơ là món được bán chủ yếu, nhưng bên cạnh đó cũng là nhiều lựa chọn khác để thay thế.
Bắp rang bơ là món ăn quen thuộc với khán giả mỗi khi đến rạp chiếu phim. Một bộ phim hay, hình ảnh âm thanh chất lượng của rạp phim đi cùng một túi bắp rang thơm ngon là trải nghiệm tuyệt vời mà không nơi nào có được.
Hầu hết chúng ta đều có xu hướng vừa ăn vặt vừa xem phim để tăng cảm giác hứng thú và lấp đầy chiếc bụng. Khác với các loại snack hay bánh quy, bắp rang là món ăn vặt tiện lợi và vệ sinh hơn hết, không gây ám mùi cũng không gây bẩn khi rơi vãi. Do đó, việc ăn bắp rang dần trở thành một thói quen mỗi khi đến rạp.
Có thể bạn chưa biết, cái tên "bỏng ngô" không chỉ là phần nhân đã nổ khi nấu bắp, mà đây cũng là tên của loại bắp được sử dụng để làm món ăn nhẹ được trồng ở Trung Mỹ và trở nên phổ biến tại Hoa Kỳ vào giữa những năm 1800 (2). Ban đầu, những người làm bắp rang thường hay ngồi trước những cửa hàng siêu thị lớn để thu hút khách hàng. Họ sẽ đi tới những nơi có đám đông như những hội chợ, công viên và sử dụng chiếc máy làm bắp rang lớn, chậm chạp và cồng kềnh sử dụng xăng để đốt nóng (3).
Chính vì giá thành rẻ nên bỏng ngô-bắp rang bơ là một trong những món được tiêu thụ nhiều nhất trong những năm trì trệ của nền kinh tế Hoa Kỳ. Cuộc suy thoái đã làm tăng chi tiêu của người tiêu dùng đối với bắp rang và phim ảnh, và hai ngành này dần hợp tác với nhau. Các rạp chiếu phim cho phép một nhân viên bán bắp rang bên ngoài rạp với một khoản phí cố định hằng ngày.
Tuy nhiên, đến giữa những năm 1940, các rạp chiếu phim đã loại bỏ hình thức này và bắt đầu có quầy bán bắp rang riêng ở sảnh. Sự ra đời của quầy này ở các rạp chiếu phim đã giúp ngành công nghiệp chiếu bóng phát triển và bắp rang bơ đã trở thành một phần của "văn hóa xem phim" kể từ đó.
Dù vậy, nhiều người cho rằng bắp rang bơ tại rạp chiếu phim có giá thành quá cao. Tiền mua combo bắp rang và nước ngọt còn cao hơn cả tiền vé xem phim. Điều này là do lợi nhuận của rạp chiếu phim đến từ 85% doanh thu của quầy bán đồ ăn vặt (4).
Theo một nghiên cứu từ Stanford GSB và Đại học California, có một giải pháp cho rạp chiếu phim trên thực tế mang lại nhiều lợi ích cho công chúng xem phim, đó là tính giá cao cho các sản phẩm khác như bắp rang, nước ngọt... các rạp phim có thể giữ giá vé ở mức thấp hơn. Điều này giúp khán giả tăng trải nghiệm thưởng thức các tác phẩm điện ảnh.
Đối với các rạp phim, việc đặt giá cao hơn cho những sản phẩm phụ như bắp rang bơ và giữ giá thấp cho sản phẩm chính (là tấm vé xem phim) sẽ thuyết phục khách hàng hơn, nhất là với những người "nhạy cảm" với giá vé. Mặc dù bắp rang và các món ăn vặt chỉ chiếm khoảng 20% tổng doanh thu nhưng chúng lại chiếm khoảng 40% lợi nhuận của rạp.
Bởi lẽ, trong khi doanh thu bán vé phải được trả một phần về cho các nhà làm phim và phát hành phim thì 100% số tiền bán đồ ăn vặt sẽ được chuyển thẳng vào "túi" các rạp chiếu phim (5).
Dù giá bán bắp rang tại các rạp chiếu phim khá đắt, nhưng nhiều khán giả vẫn sẵn sàng chi tiền cho món ăn vặt "đắt đỏ" này.
Trong một cuộc khảo sát các rạp chiếu phim tại Tây Ban Nha, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người xem phim mua vé qua mạng internet có xu hướng mua đồ ăn vặt như bắp rang nhiều hơn, so với những người mua tại rạp. Hai nhà nghiên cứu Hartmann và Gil nhận thấy những người đến xem phim theo nhóm bạn bè hay gia đình cũng có xu hướng mua nhiều bắp rang và nước ngọt hơn (6).
Ngoài ra, khi thưởng thức những thể loại phim hành động kịch tính hoặc những bộ phim bom tấn, khán giả sẵn sàng chi tiền mua bắp rang tại rạp để tăng trải nghiệm. Điều này giúp lượng tiêu thụ bắp rang tại rạp tăng ổn định, đảm bảo doanh thu cho các rạp phim.
Có những thời điểm không có nhiều phim hay ra rạp, doanh thu từ việc bán vé bị giảm. Khi đó, bắp rang bơ sẽ là yếu tố "gánh team" giúp rạp duy trì hoạt động kinh doanh.
Tuy nhiên, giữa một bên là ủng hộ rạp phim duy trì kinh doanh, một bên là sức khỏe của bản thân, bạn hãy cân nhắc lựa chọn loại đồ ăn vặt phù hợp nhé. Mẹo chọn đồ ăn vặt khi xem phim đã được LeLa Journal nhắc tới ở bài trước.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Giải Trí?