Trong những ngày nhiệt độ tăng cao, con người không phải loài duy nhất đối mặt với cái nóng như thiêu như đốt. Nắng nóng đột biến cũng là cơn ác mộng của nhiều loài động vật. Ngay cả thú cưng - những con vật tưởng chừng như được an toàn trong nhà - cũng phải đối mặt với khủng hoảng nhiệt độ như sốc nhiệt, mất nước, viêm da, phỏng lớp đệm bàn chân…
Tham khảo:
- https://www.mdpi.com/2306-7381/9/5/231
- https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC8956225/
Thông thường, động vật điều hòa thân nhiệt theo hai cơ chế là biến nhiệt và hằng nhiệt. Khi điều hòa theo cơ chế biến nhiệt, động vật thay đổi nhiệt độ cơ thể tùy theo môi trường xung quanh. Nhóm này gồm các loài cá, bò sát, lưỡng cư và nhiều loài động vật không xương sống... Khi nhiệt độ môi trường tăng cao, những động vật này rất dễ đột tử nếu không được cấp cứu kịp thời.
Ngược lại, những loài theo cơ chế hằng nhiệt như chim và động vật có vú có thể duy trì nhiệt độ cơ thể ở mức thuận lợi để trao đổi chất bằng cách thở hổn hển, liếm lông, uống nhiều nước... Trong trường hợp vật nuôi bị sốc nhiệt, chúng ta ta có thể quan sát thông qua một số dấu hiệu như thở khò khè, chảy máu mũi, nôn mửa, loạng choạng và thậm chí là hôn mê…
Dù thú cưng của bạn thuộc nhóm sinh vật nào thì việc chủ động bảo vệ chúng khỏi tác động của nhiệt độ cao là điều cần thiết. Sau đây là một số cách hữu hiệu:
Mức nhiệt quá cao có thể áp đảo khả năng điều tiết nhiệt của động vật, khiến chúng không có cách nào tải được nhiệt lượng thừa đó ra ngoài. Loài chó là một ví dụ điển hình. Do không có tuyến mồ hôi ở da nên cách duy nhất giúp chó tỏa nhiệt là thở hổn hển và giãn nỡ mạch máu dưới da.
Để hỗ trợ, chúng ta có thể bổ sung nước bằng cách cho chó tự uống nước hoặc bơm vào miệng nếu con vật không thể giữ thăng bằng. Bên cạnh đó, bạn có thể dùng khăn ẩm để làm dịu hơi nóng trên cơ thể thú cưng. Phun sương cũng là một cách hiệu quả đối với vật nuôi, nhưng chúng ta cần đặc biệt lưu ý rằng việc phun sương không phù hợp với thỏ (3).
Cá vàng phải đối mặt với nguy cơ bị "nấu chín" nếu nhiệt độ trong bể quá nóng. Lúc này, nhanh chóng thay nước và di dời bể cá là hướng giải nguy. Bạn có thể tạo thêm bóng râm, như lắp mái, phủ rèm để che mát chỗ ở của thú cưng hoặc bổ sung quạt, máy làm mát bằng hơi nước...
Các khu vực nóng như cửa sổ, hiên nhà, mặt đường vào buổi trưa được xem là "cấm địa". Người nuôi tuyệt đối không nên "giam" thú nuôi vào các lồng kín. Ví dụ, trong không gian đóng kín của ô tô, nếu không khí bên ngoài là 26.67 độ C thì chỉ trong 10 phút, nhiệt độ bên trong xe có thể đạt đến 37.78 độ C. Đây là mức nhiệt vượt quá khả năng chống chịu của động vật (4).
Khác với khả năng cách nhiệt ở mèo, lớp đệm bàn chân của chó và một số loài khác chỉ có chức năng giảm sốc và bảo vệ các khớp xương. Chó cưng của bạn có thể bị bỏng nặng nếu bước đi trực tiếp trên mặt đường vào "cấm địa" trong những giờ nắng nóng nguy hiểm. Chúng ta có thể tránh được trường hợp này bằng cách chủ động thay đổi lịch trình hằng ngày, như việc hạn chế đi dạo khi trời quá nóng, quan sát và điều chỉnh - giảm thời gian tắm nắng tự nhiên của vật nuôi.
Nếu đang nuôi một thú cưng hiếu động, bạn có thể tặng chúng kem chống nắng, mũ, giày hoặc miếng lót chân dành cho thú cưng. Bạn cũng có thể bôi thêm thuốc mỡ vào vùng da bị bỏng hoặc nứt nẻ của thú cưng sau khi đã vệ sinh vùng đó thật sạch (5).
Không ít người lầm tưởng rằng việc cạo lông cho thú cưng sẽ giúp chúng cảm thấy đỡ oi bức. Tuy nhiên, đây là hành động mà khoa học không khuyến khích. Lông chó, mèo có chức năng cách nhiệt, giúp chúng tránh khỏi sự hấp thu nhiệt trực tiếp. Không chỉ dừng lại ở sức khỏe thể chất, các nghiên cứu đã cho thấy chó cũng có thể bị trầm cảm vì phải tiếp xúc trực tiếp với các tia tử ngoại từ ánh nắng Mặt trời và sẽ dần mất đi vẻ đẹp tự nhiên vốn có (6), (7), (8).
Cuối cùng, bạn nên thường xuyên theo dõi thân nhiệt của thú cưng trong những ngày thời tiết biến đổi thất thường (9), (10). Chẳng hạn, nếu thân nhiệt của chó tăng lên trên 40.5 độ C, chó có thể gặp phải các triệu chứng sốc nhiệt. Nếu nhiệt độ tăng trên 43 độ C thì chó có thể gặp nguy cơ tử vong.
Trong các trường hợp khẩn cấp, bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ thú y để có phương án bảo vệ thú nuôi phù hợp.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Thú Cưng?
Chia sẻ những phương pháp thiết thực giúp bạn chăm sóc thú cưng.