Sự hiện diện của thêm một "thiên thần nhỏ" trong gia đình vừa là niềm hạnh phúc vô cùng cho các cặp vợ chồng, nhưng cũng vừa là nỗi trăn trở về tương lai và cả áp lực hữu hình từ khía cạnh tài chính. Điều này khiến thai phụ vốn đã gặp nhiều lo lắng do thay đổi hormone trong thai kỳ càng trở nên hoang mang hơn bao giờ hết.
Từ trước đến nay, những ảnh hưởng từ căng thẳng tài chính trong lúc mang thai thường không nhận được sự quan tâm đúng mức như các nỗi lo âu khác trong thai kỳ. Thực tế, giai đoạn mang thai cũng như giai đoạn đầu sau sinh thường là khoảng thời gian mà cả mẹ và bé đều cần được tiếp cận với nhiều dịch vụ chăm sóc sức khỏe đa dạng với chi phí khác nhau. Tuy nhiên, điều kiện tài chính có thể là sự cản trở khiến nhiều người không được đáp ứng đủ đầy về sức khoẻ sinh lý và cả tinh thần.
Theo một nghiên cứu trải dài suốt 5 năm ở Mỹ và được công bố vào tháng 12/2021 về tình trạng khó khăn tài chính của thai phụ, có đến 24% phụ nữ mang thai và sau sinh cho biết nhu cầu chăm sóc sức khỏe không được đáp ứng do vấn đề chi phí. Cùng với đó, 60% không đủ khả năng chi trả cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe, trong đó bao gồm các hoá đơn viện phí. Ngoài ra, hơn một nửa số phụ nữ trong nghiên cứu chuyên sâu này cũng mô tả tình trạng căng thẳng tài chính chung của họ đối với các chi phí sinh hoạt trong và sau khi sinh, bao gồm các hóa đơn hàng tháng, chi phí nhà ở, khoản thanh toán tối thiểu trên thẻ tín dụng hoặc chi phí duy trì mức sống (1).
Tác giả Michelle Moniz, bác sĩ sản phụ khoa tại Bệnh viện Phụ nữ Von Voigtlander thuộc Đại học Y tế Michigan, đúc kết từ nghiên cứu: “Những thai phụ trì hoãn hoặc từ bỏ việc chăm sóc y tế do các rào cản tài chính cho biết tình trạng sức khỏe của họ có nhiều khả năng sẽ càng tệ hơn. Khó khăn tài chính cũng được chứng minh là có liên quan đến sức khỏe tinh thần kém cho phụ nữ trước và sau khi sinh”. Nhìn chung, tài chính ảnh hưởng trực tiếp đến mối lo liên quan đến chuyển dạ, sinh con, thay đổi mối quan hệ vợ chồng và các vấn đề sức khỏe của em bé.
Để đánh giá mức độ ảnh hưởng của sự căng thẳng và lo lắng đến thai kỳ, các nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Y học Hành vi tại Trung tâm Y tế Wexner của Đại học Bang Ohio đã tiến hành khảo sát 138 mẹ bầu. Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng căng thẳng về tài chính có liên quan đến tất cả các mối lo tâm lý cho người mẹ và nguy hiểm hơn là cho cân nặng của trẻ sơ sinh.
Cụ thể, những phụ nữ cảm thấy lo lắng hoặc căng thẳng về tài chính khi mang thai có nhiều khả năng sinh con nhẹ cân hơn. Xác nhận này cũng được công bố trong nghiên cứu thuộc Viện lưu trữ về Sức khỏe Tinh thần Phụ nữ (Archives of Women's Mental Health) (2).
Amanda Mitchell, tiến sĩ, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Y tế Wexner, đồng thời là đồng tác giả của khảo sát trên cho biết: “Do đó những nghiên cứu trong tương lai nên xem xét mối liên quan giữa mức thu nhập thấp và mức căng thẳng về tài chính tăng cao, để lý giải tại sao phụ nữ có điều kiện kinh tế xã hội thấp có nhiều khả năng sinh con nhẹ cân hơn”.
Tiến sĩ Sherry Ross, chuyên gia sức khỏe phụ nữ tại Trung tâm Y tế Providence Saint John ở California nhấn mạnh: “Căng thẳng không chỉ ảnh hưởng đến thể chất mà còn ảnh hưởng đến cảm xúc và hành vi của chúng ta. Căng thẳng âm thầm ảnh hưởng đến chúng ta, và nếu bạn đang mang một sinh linh trong bụng, sẽ có những hậu quả tiêu cực ảnh hưởng đến cả hai”.
Theo một khảo sát do Trung tâm Y tế Mount Sinai thực hiện được công bố trên tạp chí Obstetrics and Gynecology vào ngày 10/3/2022, các gia đình có thu nhập thấp chi đến gần 20% thu nhập hằng năm cho chi phí y tế trong giai đoạn mang thai và sinh nở (3).
Nghiên cứu cũng nhấn mạnh việc cha mẹ sinh con có khả năng chi tiêu y tế cao hơn sẽ tạo ra gánh nặng tài chính so với những người không mang thai có hoàn cảnh tương tự. Cha mẹ sinh con cũng báo cáo tỷ lệ thất nghiệp cao hơn. Cha mẹ sinh con có thu nhập thấp có rủi ro cao nhất về chi phí y tế hoặc các khoản chi từ tiền túi cho chăm sóc sức khỏe, ước tính vượt quá 10% thu nhập gia đình trong một năm nhất định. Những gia đình này cũng đã chi khoảng 19% thu nhập hộ gia đình cho chi phí chăm sóc sức khỏe, hoặc gần 30% khi tính luôn cả phí bảo hiểm y tế.
Cùng với đó, trong bối cảnh của đại dịch toàn cầu COVID-19 vừa qua, yếu tố tài chính luôn đi kèm với những rủi ro và gánh nặng. Trong đại dịch, phụ nữ mang thai ngày càng cảm thấy không chắc chắn về tác động của virus đối với sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh, đồng thời lo lắng về việc được điều trị y tế do những rủi ro sức khỏe tiềm ẩn. Phụ nữ cũng đặc biệt dễ bị căng thẳng vì áp lực tài chính đè nặng cộng với các triệu chứng sức khỏe tinh thần rối loạn trong giai đoạn này (4).
Một số ít phụ nữ mang thai phải đối mặt với sự phân biệt đối xử tại nơi làm việc, chẳng hạn bị giáng chức, bị cắt giảm lương thưởng hoặc không được xét duyệt thăng chức... Điều này cũng ảnh hưởng đến bài toán tài chính của gia đình và làm gia tăng căng thẳng liên quan đến công việc cũng như sức khỏe tinh thần của thai phụ.
Một khía cạnh nhỏ ít được chú ý là nhóm phụ nữ mang thai ngoài ý muốn. Theo những phát hiện được Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ từng công bố, những người buộc phải mang thai ngoài ý muốn có nhiều khả năng bị đuổi ra khỏi nhà, phá sản và lâm vào cảnh nợ nần chồng chất (5).
Tiến sĩ Amanda Mitchell, người thực hiện nghiên cứu về sự liên quan giữa những áp lực tài chính và cân nặng của con cái nhấn mạnh: “Các can thiệp tâm lý giúp giảm nỗi lo cho người mẹ trong thai kỳ chẳng hạn như động viên, trấn an tinh thần trước những thay đổi trong công việc, chăm sóc con cái và san sẻ chi phí y tế, có thể giúp giảm tác động của sự căng thẳng tài chính đối với trọng lượng của trẻ sơ sinh”.
Về mặt tài chính, việc chuẩn bị và lập kế hoạch tài chính tốt hơn từ lúc mới vừa mang thai có thể giúp nhiều phụ nữ ứng phó linh hoạt trước những thách thức sắp đến. Điều đó được tiến hành thông qua các công việc đơn thuần như lập kế hoạch theo dõi những khoản chi phí của bạn, liệt kê ra các khoản chi cần thiết trong quá trình mang thai và sau sinh. Ngoài ra, mỗi người cũng nên tìm cách chi tiêu hợp lý và là một người tiêu dùng thông minh khi chọn lựa các sản phẩm đáp ứng nhu cầu của trẻ mà không vượt quá khoản tiền trong ví.
Bên cạnh đó, mỗi cá nhân có thể tìm hiểu các dịch vụ mang tính chất lâu dài, như trợ cấp thai sản mà gia đình/người thân của mẹ và bé có quyền được hưởng, cũng như các khoản bảo hiểm y tế có thể hỗ trợ khi đứa trẻ chào đời.
Về sức khoẻ tinh thần, trong nhiều trường hợp, dù đã lên kế hoạch hợp lý, những lo lắng về tiền bạc vẫn có thể ám ảnh nhiều người trong thời kỳ mang thai và sau khi sinh con. Lúc này, mỗi cá nhân cần bình tĩnh để nhìn nhận vấn đề, khó khăn tài chính là trước mắt nhưng sức khoẻ của bạn và con là lâu dài.
Vì vậy, hãy bình tĩnh và đảm bảo rằng bạn đang chăm sóc bản thân đúng cách trong giai đoạn quan trọng này của cuộc đời. Trong quá trình này, phụ nữ mang thai có thể thảo luận và chia sẻ những lo lắng của bạn với người bạn đời hoặc thành viên gia đình hoặc bạn bè mà bạn tin tưởng.
Ngoài ra, dành thời gian để chăm sóc sức khỏe tinh thần phù hợp như tập thể dục, nghỉ ngơi và tham gia một số hoạt động thư giãn. Ngoài ra, phụ nữ cũng nên chú ý vào chế độ ăn uống đều đặn và lành mạnh.
Đặc biệt, đừng vì áp lực tài chính mà ép bản thân phải làm thêm giờ để tăng thu nhập khi mang thai. Nó có thể gây thêm căng thẳng cho sức khỏe thể chất và tinh thần của bạn và làm trầm trọng thêm tình trạng căng thẳng liên quan đến công việc.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Cha, Mẹ & Bé?