Có thể nói trong thế giới thông tin đa chiều ngày nay, chúng ta phần nào dự đoán được doanh thu của một bộ phim dựa vào rating phim. Văn hóa phê bình phim (critics) bắt đầu ở Pháp, sau đó lan ra khắp châu Âu và rồi đến châu Á. Phê bình chủ yếu diễn ra trong một số lĩnh vực, bao gồm cả điện ảnh, giờ đây đã trở thành yếu tố quyết định sự thành bại của một bộ phim thay vì chất lượng thực sự của bộ phim đó.
Các cá nhân có xu hướng lựa chọn hoặc tránh một số nội dung nhất định, tùy vào họ muốn đầu tư hoặc bảo toàn năng lượng tinh thần cho sản phẩm tiêu thụ cụ thể nào đó - theo lý thuyết về nỗ lực "tái tạo hình ảnh tinh thần" của Hirschman và Holbrook (1).
Mọi loại hình nghệ thuật đều tồn tại song song với sự phê bình, một cách hiển nhiên. Những lời phê bình này cần dựa trên kiến thức hay kỹ thuật căn bản, nội dung, chất liệu, phương pháp phê bình và kể cả góc nhìn, trải nghiệm cá nhân. Thế nhưng, chúng ta đang đứng trước thế lưỡng nan do bội thực thông tin mà truyền thông đưa ra, nhất là các thông tin về phim ảnh, và thế là chúng ta đành chọn giao phó trọng trách kiểm định cho những cá nhân khác, được gọi là critics (nhà phê bình) hoặc các reviewer (người đánh giá) để tiết kiệm thời gian và công sức.
Tuy nhiên, hệ quả của hiện tượng này là sự bất tín và trải nghiệm tồi ở người xem khi phim không hay (hoặc thậm chí dở) như lời bình phẩm của người viết phê bình hoặc đánh giá. Lúc này, chúng ta mới vỡ lẽ ra rằng chúng ta không thể chắc chắn về việc họ đang phê bình/đánh giá hay chỉ đang thực hiện công tác của một KOL, Influencer.
Các hãng phim và giới critics, reviewer đã "thai nghén" ra một hình thức phê bình núp bóng marketing.
Ở những diễn đàn và trang bình luận phim như Rotten Tomatoes, hàng nghìn ý kiến điện ảnh được đưa ra mỗi ngày từ giới chuyên lẫn không chuyên về điện ảnh. Công việc của họ cũng khá nhẹ nhàng: xem phim trong buổi chiếu sớm và về viết bình luận về phim.
Film critics (phê bình phim) là thuật ngữ trong ngành để chỉ những cá nhân công tác trong các tòa soạn, chương trình truyền hình hoặc truyền thông xem những bộ phim mới được ra mắt và đưa ra quan điểm chủ quan, cũng như bình luận về bộ phim trước công chúng (2). Trong khi đó, review phim lại giống như một công cụ marketing truyền miệng thông qua Influencer và tập trung vào định hướng thị hiếu và cải thiện (hoặc hạ bệ) doanh số phòng vé (3).
Xét theo định nghĩa, reviewer và critics chỉ khác nhau về hàm lượng học thuật, chiều sâu góc nhìn, triết lý và mức độ am hiểu kỹ thuật. Thậm chí, critics còn không quá tập trung vào câu chuyện trong phim hay tóm tắt lại nội dung cốt truyện. Song, khác nhau lớn nhất giữa review và phê bình là nhà phê bình cần một thời gian và lượng lớn kiến thức để "thẩm thấu" và đưa ra nhận định chính xác hơn.
Chạy trời không khỏi... "phê bình". Ngoài tác dụng định hướng lên khẩu vị của người xem, ảnh hưởng của giới "phê phim" lên doanh thu cũng khá đáng kể, đặc biệt là nếu bên sản xuất phim có hành động né tránh buổi chiếu trước hoặc hạn chế giới phê bình (4).
Theo một khảo sát của tờ The Wall Street, ⅓ số người người ra rạp vì đọc được bình luận yêu thích. Theo thống kê của trang Statista, hầu hết người trưởng thành đều xem review phim trước khi ra rạp với 37% nói rằng họ thỉnh thoảng xem review; 20% khác nói rằng họ dựa trên ý kiến của các "nhà phê phim" và 10% cho rằng họ luôn đọc phân tích phim, review phim trước khi xuống tiền mua vé.
Tuy nhiên, điều đáng buồn là không ai và không có gì có thể bảo đảm rằng những phân tích, review đó là đúng. Khi đọc review rồi đi xem phim, chúng ta gần như phó mặc trải nghiệm thưởng thức phim cho những "nhà cầm bút phê bình", chẳng khác nào phó mặc số phận như lúc... không xem review.
Trên các trang như IMDb, Metacritic hay Rotten Tomato đầy những phê bình đáng giá, những từ ngữ hoa mỹ "thật trân" đến khó hiểu, bộ tiêu chí không rõ ràng và việc tồn tại khoảng cách về mặt nhân khẩu học khiến cho các đánh giá trên các trang này bị thiên lệch theo sắc tộc, xu hướng của người đánh giá và giới tính.
IMDb có khoảng 1,86 triệu người dùng, trong đó 1,2 triệu đánh giá là từ nam giới. IMDb có điều chỉnh thứ hạng của mình để giảm bớt ảnh hưởng của các nhân khẩu học cụ thể, nhưng nam giới thường chiếm hơn 70% số người bình chọn phim (5).
Đơn cử như show truyền hình Sex and the City có 29.000 nam giới cho đánh giá phim trung bình ở mức 5.8, trong khi 43.000 phụ nữ cho 8 điểm. Thuật toán của IMDb sau đó tính trung bình ra điểm số của loạt phim này là 7.4, nhưng lại làm tròn xuống thành 7.
Khi xem xét lại phương diện nhân khẩu học của các đánh giá, rõ ràng đàn ông có xu hướng đánh giá cao những phim thể hiện chủ đề nam tính hơn phim hướng đến khán giả nữ, hoặc phim khai thác các chủ đề của phái này.
Tình hình ở Rotten Tomatoes cũng không khá hơn. Vào năm 2015, nữ diễn viên Meryl Streep đăng bài phê bình trang web này vì ưu ái cho nhiều critic nam. Vào thời điểm đó, chỉ có 168 nhà phê bình nữ được duyệt trên nền tảng này, trong khi có đến 760 critic nam; chưa kể, chỉ 27% critics hàng đầu của nền tảng là nữ giới (6).
Đánh giá của các critics và reviewer có lẽ không khách quan như ta nghĩ.
Nghiên cứu của Wallace, Seigerman và Holbrook đã chỉ ra mối liên hệ giữa phê bình và doanh thu của 1687 phim điện ảnh trong những năm 1956-1988 rằng, lời phê bình tích cực thì độ thành công trên thị trường càng cao và ngược lại (7). Có thể nói, lời phê bình ảnh hưởng không ít đến quyết định ra rạp của công chúng. Điều này khiến cho các hãng phim cố gắng "thuê" đánh giá tích cực nhằm cải thiện doanh thu phòng vé, ít nhất là trong 2 tuần đầu công chiếu và suất chiếu sớm ở các liên hoan phim, sneak peek.
Ngành sáng tạo có một niềm tin vào "thuyết phê bình quyền năng" (powerful critic theory), củng cố cho sự phụ thuộc của ngành điện ảnh vào văn hóa critics và KOL Marketing. Theo đó, các hãng phim tìm đến các critics và chiều lòng họ, dẫn những câu trích dẫn "đắt giá" của họ để cho vào trailer, hoặc tổ chức họp báo ưu tiên tòa soạn của họ. Ngược lại, hãng phim cũng có thể sẽ "ngại" chạm mặt một số critic vốn khó tính với phim của họ để tránh nhận về bình luận tiêu cực khi phim ra mắt (8), (9).
Trên đây là công thức tính doanh thu toàn cầu mà chúng ta có thể thấy rating đóng một vai trò quan trọng (10). Cũng theo phân tích dữ liệu này, Numbers và Kaggle đã chỉ mối liên hệ giữa doanh thu phòng vé toàn cầu và phê bình/đánh giá điện cho thấy, phim critics, dù không phải là yếu tố quyết định, vẫn ảnh hưởng lớn đến doanh thu phòng vé.
Trung bình, tăng 1% "độ tươi của cà chua" trên trang Rotten Tomatoes giúp doanh thu toàn cầu tăng 1,12 triệu; phim được đánh giá 60% độ tươi thu về nhiều hơn 11,2 triệu đô so với phim chỉ được 50% "độ tươi".
Tương tự như vậy, phim đạt 6 điểm IMDb thu về nhiều hơn phim đạt 5 điểm khoảng 38 triệu đô. Trong khi đó, doanh thu toàn cầu trung bình của 5.000 phim lấy từ cơ sở dữ liệu của IMDb là 116 triệu đô. Các con số cho thấy ngòi bút của các critics về reviewer có thể phần nào quyết định sự thành bại khi phim còn chưa công chiếu.
Dù rằng nghiên cứu trên có bao hàm những tiêu chí rating của phim truyền hình và 90% dữ liệu trong kho phim thuộc nhãn R, PG-13 hoặc PG, cộng thêm việc thị hiếu cho từng thể loại có sự chênh lệch, nhưng công thức này vẫn có giá trị để ước tính được những ảnh hưởng từ "ngành phê phim".
Có hai trường phái phê bình, ít nhất là cho đến hiện tại. Một là những critics "cánh hữu" thuộc các tòa soạn, đánh giá của họ dựa trên thị hiếu và giọng nói của tệp độc giả mà tạp chí hướng đến (predictor critic). Nhóm critics "mũ trắng" này thường ít tác động đến doanh thu phòng vé, vì lời phê bình của họ hướng đến việc chia sẻ và truyền miệng những giá trị của tạp chí.
Nhóm "cánh tả" là các nhà phê bình đóng vai trò là các influencer, đóng vai trò quan trọng trong công thức tính doanh thu phòng vé. Nhiều hãng phim và đơn vị sản xuất xem critics là những influencer và đánh giá của họ là cần thiết để đề vào trailer, poster, teaser, và các social post của phim.
Trước khi công chiếu, các nhà làm phim cần bước qua ải của các critics influencer này trước nếu muốn thành công. Một ví dụ tiêu biểu là trường hợp nhà sản xuất của bộ phim kinh dị Sleep With Me, sau khi nhận về một loạt đánh giá tiêu cực từ các nhà phê bình, đã phải rút hết quảng cáo và đành nuốt lời với nhà làm phim về những phúc lợi vì không bảo đảm được doanh số (11).
Dạo gần đây hiện tượng review phim núp bóng critics và những phê bình bẩn trá ngụy cho sự booking quảng cáo dần nổi lên. Phê bình bất chính xảy ra khi người phê bình đưa ra quan điểm cá nhân bất chấp nhằm đạt được mục đích, lợi ích cá nhân, định hướng dư luận, hoặc ảnh hưởng đến kết quả phòng vé.
Công bằng mà nói, văn hóa critics không xấu. Phim tốt hay phim tệ đều cho chúng ta những giá trị nhất định, và chúng ta cũng không cần phải bài trừ những trang như Rotten Tomatoes, IMDb hay Metacritic, nhưng chúng chỉ có giá trị để chúng ta tham khảo. Việc để trải nghiệm giải trí phụ thuộc vào đôi lời đánh giá chủ quan có thể khiến chúng ta tự thu hẹp khả năng phán đoán của mình, thậm chí là tự bài trừ gu sở thích của bản thân.
Người viết xin được kết bài bằng chia sẻ của nhà báo Hoài Hương, thuộc Hội Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh, trên trang Hà Nội Mới như sau:
"Lý luận, phê bình điện ảnh của chúng ta đang rất thiếu, rất yếu. Gần như những bộ phim ra rạp chỉ có những "reviewer" phim, diễn viên đóng phim ấy như thế nào, nội dung ra sao... mà không có những bài viết chuyên sâu để lý giải cái hay, dở về kỹ thuật, nghệ thuật, nội dung kịch bản, phong cách, trào lưu... theo đúng cách của lý luận phê bình."
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Giải Trí?