Da kề da (skin-to-skin) là một hình thức tương tác giữa mẹ và bé, đã được nhiều tổ chức y tế khuyến nghị. Việc hiểu rõ và áp dụng liệu pháp da kề da cùng 9 giai đoạn bản năng của trẻ sau sinh có thể giúp cha mẹ an tâm hơn trong giai đoạn đầu đời của bé.
Tiếp xúc da kề da (skin-to-skin), còn được gọi là chăm sóc kiểu kangaroo (kangaroo care) gồm việc lau khô trẻ sau khi sinh, rồi đặt trực tiếp lên ngực của mẹ sau khi sinh. Cả hai đều được đắp chăn ấm và để yên trong ít nhất một giờ hoặc cho đến sau lần bú đầu tiên. Tiếp xúc da kề da cũng có thể được áp dụng khi em bé cần được an ủi hoặc xoa dịu. Phương pháp này được xem là tiêu chuẩn bắt buộc ở nhiều trung tâm, đơn vị chăm sóc trẻ sơ sinh (1), (2).
Với những lợi ích thiết thực, phương pháp này đã được Tổ chức Y tế Thế giới công nhận là tiêu chuẩn chăm sóc các bà mẹ và trẻ sơ sinh (3).
Lợi ích của việc tiếp xúc da kề da được ghi nhận lần đầu vào những năm 1970 ở Bogota (Colombia), khi một bệnh viện hết lồng ấp cho trẻ sinh non. Để thay thế lồng ấp, các bác sĩ nhi khoa bắt đầu yêu cầu các bà mẹ bế con, da kề da liên tục (4).
Bác sĩ nhanh chóng phát hiện ra rằng những đứa trẻ được thực hành tiếp xúc da kề da đã phát triển tốt hơn nhiều, so với những đứa trẻ được nuôi trong lồng ấp lúc bấy giờ. Vào thời điểm đó, tỷ lệ tử vong ở trẻ sinh non vẫn khá cao, nhưng sau khi áp dụng phương pháp tiếp xúc da kề da, số ca tử vong đã giảm tới 70% (5), (6).
Vì những lý do trên, vào năm 2018, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa phương pháp da kề da vào các tài liệu hướng dẫn chăm sóc mẹ và bé sau sinh, bên cạnh đó là công nhận đây như một bước quan trọng trong việc nuôi con bằng sữa mẹ (3), (20).
Đây còn được gọi là 9 giai đoạn Widström (Widström's 9 stages) thường xuất hiện lần lượt trong khoảng vài giờ sau khi trẻ chào đời (23), (24). Cần lưu ý rằng, đây là chín giai đoạn phát triển bình thường ở trẻ sơ sinh và việc ôm da kề da sẽ khiến các giai đoạn diễn ra ổn định, thuận lợi hơn (23), (25).
Hiểu được các giai đoạn phát triển bình thường sẽ giúp người chăm sóc (mẹ, cha, người hộ lý, nhân viên chăm sóc...) đánh giá và xử lý tình huống tốt hơn, cũng như kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường ở trẻ.
Giai đoạn này được đánh dấu bởi tiếng khóc chào đời, khi phổi của em bé lần đầu tiên mở rộng. Những hành vi thường thấy gồm có nhăn nhó, ho, cố gắng di chuyển thân người và có thể đột ngột mở mắt.
Điều người chăm sóc cần lưu ý:
Khi đưa trẻ vào tay mẹ, người hộ sinh cần tránh ấn vào ngực trẻ, vì hành động này có thể cản trở hô hấp. Cách bế tốt nhất là dùng tay nhẹ nhàng bế trẻ ở tư thế dẫn lưu: Đầu thấp hơn thân và đầu hơi nghiêng sang một bên. Tư thế này giúp chất lỏng (nước ối) chảy tự do trong miệng và mũi trẻ.
Sau khi nhận con, người mẹ nằm ở tư thế thoải mái, bế con nằm sấp, da kề da. Nếu có thể, trẻ nên được đặt ở tư thế nằm dọc trên cơ thể mẹ, đầu tựa vào ngực mẹ. Vị trí giữa ngực cũng có ích cho các giai đoạn sắp tới của trẻ. Bởi lẽ khi đặt miệng trẻ gần ngực của mẹ, trẻ dễ dàng bú khi cần.
Trong giai đoạn này, người chăm sóc cần lau cơ thể trẻ bằng vải khô và sạch, giúp duy trì nhiệt độ cơ thể. Ban đầu, mặt trẻ nên quay sang một bên để tạo điều kiện cho đường thở và giúp người chăm sóc theo dõi nhịp thở. Sau khi thực hiện tư thế da kề da với mẹ, cơ thể trẻ phải được đắp khăn hoặc chăn khô, không che mặt.
Sau khi cất tiếng khóc chào đời và thấm mệt, trẻ hầu như không cử động nhiều, thế nên dễ dàng nằm yên, thoải mái trên ngực mẹ. Lúc này, trẻ có thể nghe được nhịp tim của mẹ - một âm thanh quen thuộc từ khi còn trong bụng mẹ. Âm thanh này có tác dụng làm trẻ thấy an toàn khi vừa chào đời.
Điều người chăm sóc cần lưu ý:
Điều quan trọng nhất là cần quan sát và để yên cho trẻ được thư giãn!
Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng nhiều y bác sĩ đã tỏ ra lo ngại về trạng thái im lặng và thư giãn của trẻ sơ sinh trong giai đoạn này. Điều này xuất phát từ việc trẻ gần như không có các hoạt động ở đầu và tứ chi, dẫn đến việc nhân viên chăm sóc cố gắng xoa bóp mạnh tay, đặt lại tư thế hoặc thậm chí là nhấc trẻ ra khỏi người mẹ. Nếu trong thời gian thư giãn mà bị quấy rầy, trẻ sẽ phản ứng bằng phản xạ khóc hoặc nhăn mặt.
Để theo dõi chính xác tình trạng của trẻ, các y bác sĩ ngày nay thường sử dụng máy theo dõi nhiệt độ trong suốt thời gian mẹ ôm trẻ da kề da.
Trẻ thực hiện những chuyển động nhỏ như cử động đầu, mặt và vai một cách nhẹ nhàng, sau đó là di chuyển cánh tay, ngón tay và khóe miệng có thể cử động nhẹ. Mắt trẻ sẽ mở hé, chớp liên tục cho đến khi thích nghi ổn định với môi trường.
Trong giai đoạn hoạt động, cơ thể em bé có những chuyển động rõ rệt hơn như là cử động đầu, cánh tay, bàn tay... Khi tay chân cử động nhiều hơn, bé có thể nhổm người dậy và nhấc đầu ra khỏi ngực mẹ. Các ngón tay bắt đầu hoạt động bằng cách đưa lên miệng hoặc nắm lấy bầu sữa mẹ và khám phá.
Điều người chăm sóc cần lưu ý:
Các bà mẹ thường khó quên được lần đầu giao tiếp bằng mắt với trẻ. Đây là một khoảnh khắc quan trọng và riêng tư giữa mẹ và bé mà nhân viên chăm sóc không nên gián đoạn.
Thực tế thì giai đoạn nghỉ ngơi thường đan xen với những giai đoạn khác. Trẻ có thể nghỉ ngơi bất kỳ lúc nào, sau đó tiếp tục giai đoạn đang dang dở hoặc chuyển sang giai đoạn tiếp theo.
Khi nghỉ ngơi, em bé thường nằm yên, kết hợp với việc mút ngón tay... Bé có thể nhắm mắt hoặc mở và nhìn vào bầu sữa mẹ.
Điều người chăm sóc cần lưu ý:
Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng họ đã quan sát thấy giai đoạn này bị cha mẹ hoặc nhân viên chăm sóc hiểu sai, dẫn đến việc trẻ sơ sinh phải kết thúc sớm quá trình da kề da với mẹ để chuyển sang phương pháp chăm sóc thông thường khác.
Vậy nên, điều quan trọng là những người chăm sóc cho phép trẻ sơ sinh có những khoảng lặng này trong khoảng một giờ đầu tiên mà không bị gián đoạn hoặc tách rời khỏi cơ thể mẹ.
Trong giai đoạn này, trẻ cố gắng nhích người hướng tới bầu sữa mẹ. Chuyển động này có thể linh hoạt đến mức cha mẹ và nhân viên chăm sóc đều không nhận ra rằng em bé đang tìm cách bú mẹ.
Điều người chăm sóc cần lưu ý:
Trong tiến trình này, người chăm sóc cần tránh nâng hoặc lật cơ thể trẻ, gây cản trở việc tiến tới bầu sữa mẹ. Người chăm sóc có thể đặt một chiếc khăn hoặc gối dưới cánh tay của người mẹ để nâng một bên thân người lên, giúp trẻ sơ sinh dễ tiếp cận bầu sữa mẹ mà không bị vất vả do trượt xuống dưới.
Khi lại gần bầu sữa mẹ, trẻ sơ sinh thường kêu những âm thanh nhỏ để kêu gọi phản ứng từ người mẹ. Tần số của những âm thanh này sẽ tăng lên khi trẻ sơ sinh đến gần núm vú của mẹ hơn.
Điều người chăm sóc cần lưu ý:
Trong giai đoạn làm quen, trẻ sẽ tiếp xúc với vú mẹ bằng cách ngậm. Khoảng thời gian này có thể kéo dài 20 phút hoặc hơn. Khi trẻ chạm vào ngực mẹ, lượng oxytocin trong cơ thể người mẹ sẽ tiếp tục tăng. Lúc này, em bé đang dần làm quen với mùi sữa và bầu ngực của mẹ mình. Vì vậy, người lớn không nên can thiệp vì có thể khiến trẻ ngửi thấy mùi từ bàn tay không quen, ảnh hưởng tới việc làm quen với bầu sữa mẹ.
Lúc này, trẻ sơ sinh bắt đầu bú sữa mẹ thành công. Bé sẽ mở miệng rộng một cách phù hợp, tự ngậm đầu ti mẹ, cũng như hướng đôi mắt của mình vào vị trí này.
Điều người chăm sóc cần lưu ý:
Thông thường, trẻ sẽ tiếp tục điều chỉnh miệng và cử động của đầu cho đến khi bú sữa mẹ thành công nên người lớn không cần điều chỉnh hộ trẻ.
Khi kết thúc bú, khoảng một tiếng rưỡi sau khi sinh, trẻ sơ sinh sẽ thấy buồn ngủ và lại ngủ thiếp đi.
Hormone oxytocin, được gia tăng ở cả mẹ và trẻ sơ sinh khi bú, sẽ kích hoạt giải phóng các hormone đường tiêu hóa. Mức hormone cao này sẽ mang lại cảm giác thỏa mãn sau bữa ăn đầu đời.
Nếu mẹ và trẻ sơ sinh không thể trải qua những giờ đầu tiên này cùng nhau (như trong trường hợp mẹ bị ốm) thì sau đó, mẹ và trẻ nên có cơ hội được da kề da nhiều nhất có thể. Nếu người mẹ gặp tình trạng tách sữa, phải vắt sữa bằng tay trong vòng một giờ đầu sau khi sinh sẽ tăng cường sản xuất sữa (26), người cha cũng có thể thực hiện tiếp xúc da kề da với con sau khi chào đời.
Khoảng thời gian sau khi chào đời của con cũng đi kèm với những giây phút vô cùng nhạy cảm của mẹ và phương pháp da kề da sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả hai mẹ con. Song, để bảo đảm sức khỏe và sự phát triển sau này, mẹ và bé vẫn cần được giám sát, theo dõi y tế tại bệnh viện.
Ở Việt Nam, vào ngày 15/11/2016 Bộ Y tế đã ban hành Quyết định về việc phê duyệt tài liệu hướng dẫn chuyên môn chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong và sau mổ lấy thai, trong đó có quy trình tiếp xúc da kề da (skin-to-skin) mà chúng ta đang nhắc tới trong bài (27).
Phương pháp da kề da cũng được liệt kê trong "Hướng dẫn Quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản" của Bộ Y tế, ban hành vào ngày 29/7/2016 với tên gọi là Phương pháp Kangaroo (28).
Một số bệnh viện đã công bố về việc cho cha, mẹ và bé áp dụng phương pháp này là Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện Phụ sản Trung Ương, Bệnh viện Từ Dũ cũng đã thành lập Khu "da kề da"...
Để chắc chắn, cha mẹ hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên môn và kiểm tra trước với các y tá, nhân viên hộ sinh tại bệnh viện về phương pháp da kề da này nhé.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Cha, Mẹ & Bé?