Trong xã hội hiện đại, nhiều người không còn xa lạ với việc lắp đặt thang máy trong nhà riêng. Vậy đâu là những lưu ý khi cân nhắc, tính toán và lựa chọn thang máy tại nhà?
Trên thực tế, nhiều người ở nhà đất thường không ưu tiên lắp thang máy trong nhà vì ít có nhu cầu sử dụng và hao tốn chi phí (gồm phí xây lắp lẫn cải tạo không gian). Đối với những gia đình có nhu cầu sử dụng thang máy, họ lại có xu hướng lựa chọn sinh sống ở căn hộ chung cư.
Do đó, hầu hết những nhà có lắp thang máy thường có mục đích cụ thể là phục vụ thành viên dùng xe lăn, khó vận động và di chuyển, cũng như người già, trẻ em (1), (2), thậm chí trong một số trường hợp là thú cưng, vật nuôi (3).
Có rất nhiều lý do và tiêu chí khiến các hộ gia đình quyết định lắp đặt thang máy trong nhà, gồm có tính tiện dụng, dễ di chuyển, an toàn, tăng thẩm mỹ và giá trị căn nhà (nếu gia chủ có kế hoạch bán đi trong tương lai). Hơn thế nữa, nếu gia chủ quyết định không dùng thang bộ thì việc lắp đặt thang máy còn có thể "tiết kiệm" không gian sống (3), (4).
Dễ nhận thấy một trong những vấn đề lớn nhất liên quan tới việc lắp thang máy là nghịch lý như sau: Khi chưa có nhu cầu sử dụng thì gia chủ không nghĩ đến việc lắp đặt thang máy, đến khi cần thiết thì lại không có để sử dụng. Chẳng hạn, trong một căn nhà với nhiều thế hệ gia đình cùng sinh sống, bàn thờ thường được đặt ở tầng trên cùng. Đến khi các bậc trưởng thượng dần tuổi cao sức yếu, họ khó có thể leo cầu thang để thắp hương mỗi ngày. Các giải pháp khả thi lúc này thường là đưa bàn thờ xuống tầng dưới hoặc lắp thang máy, nhưng do lúc này đã có thành viên trong gia đình gặp vấn đề về sức khỏe nên việc sửa sang và thay đổi không gian sống càng gặp nhiều trở ngại.
Do đó, nhiều gia đình ở nhà đất hiện nay đã tính tới việc lắp đặt thang máy từ sớm, tránh trường hợp "năm thì mười họa" là khi cần thiết thì lại không kịp trở tay.
Thị trường Việt Nam hiện nay có 5 loại thang máy chính theo phân loại về hệ thống động lực (5), (6), gồm có:
Bên cạnh đó, cũng tùy vào nhu cầu mà người dùng thường tìm kiếm thang máy theo các phân loại khác nhau.
Một số chức năng phổ biến mà người dùng ưu tiên khi chọn mua và lắp đặt thang máy gồm có:
Dựa vào các tiêu chí và loại hình kể trên, có 7 điều lưu ý thường được gia chủ cân nhắc khi lựa chọn thang máy trong nhà:
1. Mục đích sử dụng: Cụ thể, gia chủ cần cân nhắc kỹ về đối tượng sử dụng chính. Đây chính là tiêu chí đầu tiên, bởi nó sẽ ảnh hưởng tới nhiều yếu tố khác. Chẳng hạn, nếu người dùng chính ngồi xe lăn, kích thước thang máy phải đủ lớn để xe lăn và người chăm sóc dễ dàng ra, vào cửa thang cũng như đứng trong không gian thang. Nếu đối tượng sử dụng chính là người già hoặc trẻ nhỏ, yếu tố an toàn cần được đặt lên hàng đầu...
2. Chi phí: Đây cũng là yếu tố quan trọng không kém. Tất nhiên, nhiều người sẽ muốn tiết kiệm chi phí, nhưng gia chủ cần cân nhắc hai khoản là lắp đặt thang máy và cải tạo, sang sửa nhà. Bên cạnh đó là các chi phí phát sinh, vì việc lắp đặt thang máy có thể tốn thời gian và ảnh hưởng tới nhịp sống của gia đình.
Thậm chí, nhiều gia đình đã lựa chọn ra ở thuê trong thời gian căn nhà được sửa sang để lắp đặt thang máy.
3. An toàn: Trên thực tế, nhà đất thường không quá cao nên nhiều người ít để ý tới yếu tố này. Tuy nhiên, tính an toàn của việc sử dụng thang máy tại nhà riêng thường ít nằm ở độ cao của ngôi nhà, mà tới từ đặc điểm, tốc độ di chuyển và dừng thang. Trong tình huống nhà đột ngột mất điện hoặc thang máy dừng vì lý do kỹ thuật, các loại thang máy sử dụng dây ròng rọc sẽ có một nhịp rơi trước khi ngừng hẳn. Việc này ảnh hưởng tới tinh thần người dùng đang đứng trong thang, nhất là trẻ em, người già yếu hoặc đang chịu bệnh tật - những nhóm đối tượng chủ yếu sử dụng thang máy.
Đây cũng là một trong những lý do mà người dùng hiện nay ưa chuộng thang máy trục vít. Trong trường hợp ngừng chạy vì lý do kỹ thuật, thang sẽ đứng yên tại chỗ, ít gây hoang mang cho người đứng bên trong thang.
Bên cạnh đó, những chức năng bảo đảm an toàn như cửa thang đóng - mở có cảm biến, thông khí... cũng sẽ khiến gia chủ thấy thoải mái hơn khi sử dụng. Gia đình có trẻ nhỏ đang trong độ tuổi chạy nhảy nhiều sẽ thấy yên tâm hơn nếu nhà có thang máy với độ an toàn cao.
4. Chất lượng bảo hành, bảo trì: Thang máy gia dụng có thể nhanh hư hoặc gặp sự cố kỹ thuật, do các yếu tố bên ngoài như mất điện đột ngột. Việc tìm kiếm nhà cung cấp với chế độ bảo hành, bảo trì tốt cũng là một yếu tố mà người dùng không thể bỏ qua.
5. Tiện dụng: Đây là vấn đề tưởng nhỏ nhưng thực tế là lại "khó nhằn" với người già yếu, nhất là những người gặp vấn đề "mắt mờ, chân chậm"... Chẳng hạn, nếu phím bấm và màn hình hiển thị quá nhỏ, chữ quá mờ, cũng như không có ánh sáng và âm thanh báo hiệu thì một người thị lực kém không thể biết rõ mình đang ở tầng nào.
6. Không gian: Yếu tố này có liên quan tới mặt bằng và chi phí cải tạo. Những gia đình có dự tính lắp thang máy từ khi xây nhà có thể thiết kế mặt bằng sao cho dễ lắp đặt nhất có thể, nhưng với những ngôi nhà xây nhiều năm, gia chủ sẽ phải tính toán lại không gian sống sao cho hợp lý.
Thông thường, các gia đình thường chọn lắp thang máy gần thang bộ, có thể là giữa nhà với nhiều ánh sáng hoặc ở góc nhà để "tiết kiệm" không gian.
7. Tốc độ: Đây có lẽ là yếu tố ít được quan tâm nhất, nhưng nếu sử dụng loại thang quá chậm, gia chủ có thể thấy "thêm bực" trong tiến trình sử dụng thang.
Bên cạnh, có một lưu ý nhỏ dành cho gia chủ là tính thẩm mỹ của thang máy. Bởi lẽ, nhiều gia đình hiện đại đang định hướng ngôi nhà riêng với một phong cách thẩm mỹ nhất định mà việc đặt một chiếc thang máy quá "lệch tông" có thể làm hỏng vẻ đẹp độc bản trong không gian sống của gia chủ.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Không Gian Sống?
Nhà đẹp, vườn xinh, và những góc sống đẹp