Được công chiếu lần đầu vào năm 1957, 12 Angry Men (tạm dịch: 12 người đàn ông giận dữ) từng là bộ phim nhận về nhiều chỉ trích, nhưng ngày nay, bộ phim được nhìn nhận là một trong những tuyệt tác của nền điện ảnh Hoa Kỳ. Vậy điều gì đã khiến một bộ phim về 12 người đàn ông trong phòng bồi thẩm đoàn lại trở thành một tác phẩm điện ảnh kinh điển đến vậy? Câu trả lời sẽ được LeLa Journal giải đáp phần nào, thông qua việc phân tích dưới góc nhìn tâm lý học xã hội.
Dưới bàn tay đạo diễn Sidney Lumet, biên kịch Reginald Rose và ngôi sao Henry Fonda, bộ phim 12 Angry Men (1957) đã trở nên nổi tiếng tới mức vào năm 2007, Trường Cao Đẳng Luật Chicago-Kent tại Hoa Kỳ đã công bố một tuyển tập các bài luận về phim để kỷ niệm 50 năm ra mắt. Các tình tiết của 12 Angry Men được dựa trên một quy định bắt buộc với bồi thẩm đoàn tại Hoa Kỳ: 12 bồi thẩm viên phải nhất trí với nhau về phán quyết "Có tội hay vô tội?". Xuyên suốt bộ phim là những tình tiết, lập luận của bồi thẩm đoàn về vụ án và bị cáo đang có nguy cơ chịu án tử hình.
Lưu ý: Trong giới hạn bài phân tích này, LeLa Journal không tiết lộ tình tiết phim hay bàn về luật pháp, mà chỉ đặt cuốn phim 12 Angry Men dưới góc nhìn của ngành Tâm lý học Xã hội.
Độc giả có tham khảo các đầu sách về ngành này qua các bài đăng trên LeLa Journal, gồm có: Những tựa sách hay giúp hiểu về tâm trí con người được Thạc sĩ Tâm lý khuyến đọc và 5 quyển sách tâm lý giúp chữa lành sức khỏe tinh thần.
Khi bắt đầu cuộc thảo luận, 11 bồi thẩm viên có chung quan điểm và chỉ có 1 người đưa ra quan điểm trái ngược. Điều này buộc phải ngồi tranh luận gay gắt và sau đó, số đông bồi thẩm đoàn có xu hướng hòa hoãn và đồng tình. Đây chính là một ví dụ của tình trạng "group polarization" (sự cực đoan tập thể).
Trong Tâm lý học Xã hội, sự cực đoan tập thể đề cập đến xu hướng của một nhóm khi đưa ra quyết định cực đoan hơn so với ý định ban đầu của các thành viên (1).
Mức độ thay đổi nhóm được xác định bởi ba yếu tố: hướng của mỗi lập luận, tính thuyết phục và tính mới luận điểm (2). Trong trường hợp của bộ phim, một vị bồi thẩm đoàn đã đưa ra những lập luận có tính mới mẻ mà những người còn lại chưa bao giờ nghĩ đến. Trên thực tế, sự cực đoan trong hiện tượng này không mang ý tiêu cực, mà chỉ đơn giản là tính "quá mức" so với lúc đầu. Chẳng hạn, khi bạn chỉ muốn trả một số tiền nhỏ cho một mặt hàng, sau khi tranh luận, bạn thậm chí còn muốn trả ít tiền hơn; ngược lại, nếu bạn muốn chi ra một khoản lớn hơn bình thường thì sau khi tranh luận, bạn lại có xu hướng trả mức giá cao hơn nữa.
Theo một công bố về sự cực đoan tập thể và bộ phim 12 Angry Men, một số nhà nghiên cứu đã kết luận rằng với quy mô nhóm nhỏ, như 12 bồi thẩm viên trong phim, hiện tượng này gần như không thể xảy ra (3). Đúng là như vậy. Trong bộ phim, vị bồi thẩm viên kia suýt nữa đã xuôi theo ý kiến của 11 người còn lại. Tuy nhiên, đây không phải yếu tố duy nhất ảnh hưởng tới quyết định chung của bồi thẩm đoàn. Hiện tượng kế tiếp cũng có tác động không nhỏ, hỗ trợ cho sự cực đoan tập thể.
Năm 1950, nhà tâm lý học Solomon Asch đã thực hiện một nghiên cứu thực nghiệm để tìm hiểu xem áp lực xã hội từ một nhóm đa số có thể ảnh hưởng đến một cá nhân như thế nào. Trong mỗi nhóm chỉ có một khách thể là thật và các thành viên còn lại là "khách thể giả" - người được sắp xếp vào. Khi được hỏi, những khách thể giả đã cố tình đưa ra đáp án sai, trong khi đáp án đúng khá rõ ràng và điều này đã tạo áp lực lên người khách thể thực sự kia.
Kết quả nhận thấy rằng 76% người tham gia đã đưa ra đáp án sai bởi họ đã đồng thuận theo áp lực nhóm bằng cách đưa ra câu trả lời tương tự những người trong nhóm, dù đáp án đó rõ ràng là không chính xác (4).
Kết quả nghiên cứu đã phát hiện ra rằng quy mô của số đông, sự hiện diện của một người bất đồng quan điểm khác và tính chất công khai của các phản hồi là những ảnh hưởng dẫn đến sự đồng thuận. Sự đồng thuận (conformity) là thuật ngữ chỉ sự điều chỉnh hành vi hoặc quan điểm cá nhân để phù hợp với nhóm hoặc xã hội xung quanh. Nó ám chỉ sự áp dụng các quy tắc, giá trị, hoặc tiêu chuẩn của một nhóm để phù hợp với những mong đợi của nhóm đó (5).
Nếu như vậy thì trong bộ phim 12 Angry Men, chẳng phải vị bồi thẩm viên kia sẽ chịu áp lực mà đồng thuận với 11 người còn lại sao?
Chính Solomon Asch, trong quá trình nghiên cứu thêm về sự đồng thuận, đã phát hiện ra hiệu ứng "người đồng hành chân chính" (true partner effect). Điều này xảy ra khi một cá nhân thoát khỏi áp lực nhóm và lên tiếng, những người còn lại cũng có xu hướng thoát khỏi áp lực phải đồng thuận (5), (6). Trong phim, vị bồi thẩm viên kia đã giữ vai trò người đồng hành chân chính này, giúp những người còn đang cân nhắc dám đứng lên nêu quan điểm của họ.
Có khi nào bạn dừng đèn đỏ nhưng tất cả mọi người xung quanh lại... vượt đèn đỏ? Bạn sẽ tiếp tục đứng chờ hay vượt lên? Hoặc là dù không vượt đèn đỏ thì bạn có cân nhắc hành động đó không?
Trên thực tế, sự đồng thuận xảy ra ở khắp mọi nơi, tác động tới chính chúng ta, đặc biệt là khi xảy ra khi các phản hồi công khai, con người càng dễ có sự đồng thuận để làm hài lòng số đông. Chính vì vậy, các cuộc bầu cử nên được triển khai theo hình thức bỏ phiếu kín để đảm bảo không ai bị ép buộc hoặc ảnh hưởng từ ý kiến của người khác.
Trong phim, các bồi thẩm đoàn đề cập đến một nhân vật đang trải qua sự tuyệt vọng của tuổi già. Nhân vật này đã lớn tuổi, sống cô đơn thầm lặng trong căn nhà nhỏ. Chính vì vậy, ông đã đưa ra nhiều lời nói có phần sai sự thật để giành sự chú ý từ mọi người. Có thể nói rằng nhân vật này có biểu hiện của trạng thái tâm lý Despair (sự tuyệt vọng).
Đây là một trạng thái tâm lý trong một giai đoạn phát triển cảm xúc xã hội, được xây dựng bởi Erik Erikson - nhà tâm lý học nổi tiếng người Đức. Theo Erikson, các xung đột này diễn ra trong 8 giai đoạn của đời người, theo thứ tự từ khi còn nhỏ tới khi về già, bao gồm: Tin tưởng đối lập với Hoài nghi; Tự chủ đối lập với Xấu hổ và Nghi ngờ bản thân; Sự chủ động đối lập với Cảm giác tội lỗi; Sự siêng năng đối lập với Sự kém cỏi; Căn tính đối lập với Sự lẫn lộn (vai trò); Sự thân mật đối lập với Sự cô lập; Sự truyền thừa đối lập với Sự trì trệ và cuối cùng là Sự toàn vẹn đối lập với Sự tuyệt vọng. Erik Erikson cho rằng những xung đột này sẽ góp phần hình thành tính cách của mỗi chúng ta trong đời, từ khi sinh ra đến khi mất đi.
Sự tuyệt vọng là một trạng thái tâm lý xung đột với Sự toàn vẹn (Integrity), thường xuất hiện trong giai đoạn cuối cùng của cuộc đời, khi con người nhìn lại các sự kiện đã xảy ra trong cuộc đời mình, nghiền ngẫm xem họ thấy hài lòng hay nuối tiếc với cuộc sống của mình (7), (8). Nếu thấy tuyệt vọng, họ cũng có xu hướng hối hận, cho rằng đã quá muộn để có thể làm lại.
Nhân vật được nhắc tới trong 12 Angry Men cũng sống trong giai đoạn tuổi già với sự giảm sút về sức khỏe, thu nhập và vị thế xã hội. Điều này khiến ông luôn hối tiếc về quá khứ và mong muốn nhận được sự chú ý từ nhiều người. Trong cuộc sống, có thể bạn đã gặp những người già đang gặp xung đột tâm lý tương tự như vậy. Họ có thể là người luôn cảm thấy cay đắng và hối tiếc về mọi thứ, hoặc cảm thấy bình yên với mọi chuyện.
Tự ngụy biện là khi một người biết sự thật về một sự việc nhưng vẫn tự mình tìm mọi lý lẽ để bác bỏ và chỉ tin vào những gì mình muốn tin để bảo vệ cái tôi. Không chỉ như vậy, trong nhiều trường hợp, chúng ta còn không cho phép bản thân nhìn ra sự thật, và như vậy là chúng ta đã tự ngụy tín sao cho ta chỉ tin vào cái ta muốn tin. Theo Sigmund Freud - người đề ra Phân tâm học, sự ngụy biện chính là nỗ lực vô thức của chúng ta để bảo vệ những niềm tin và suy nghĩ sai lầm của mình. Chúng ta làm điều này để tránh né giải quyết vấn đề, cũng như để bảo vệ thế giới quan của mình (9).
Sự tự ngụy biện này được thể hiện rất rõ trong trong phim 12 Angry Men. Phần lớn các bồi thẩm viên đều chỉ tin vào những gì họ đã tin từ trước và tìm mọi cách để bảo vệ cho quan điểm đó mà bác bỏ đi các phân tích, chứng cứ được cập nhật và làm sáng tỏ. Thậm chí, khi đứng trước những lập luận sắc bén từ những người có quan điểm trái ngược, họ vẫn không cho phép bản thân "nhìn rõ", mà chỉ bám vào suy luận ban đầu để tranh luận.
Trên thực tế, chúng ta vẫn thường gặp các lỗi ngụy biện trong giao tiếp. Ví dụ, đồng nghiệp chỉ ra những điểm sai trong ý tưởng của bạn và đưa ra một quan điểm ngược lại. Bạn cảm thấy không thuyết phục và chỉ tin vào ý tưởng của mình dù bạn biết rằng ý tưởng đó có khả năng sẽ đúng nhưng bạn không dễ dàng bỏ qua cái tôi của mình để tin vào ý kiến người khác.
Trong nhiều trường hợp, điều này khiến chúng ta dễ cảm thấy thoải mái hơn do không phải trực tiếp giải quyết vấn đề (ít nhất là trong suy nghĩ của cá nhân), nhưng cũng để lại hậu quả là thế giới quan của chúng ta luôn được giữ nguyên như vậy và chúng ta dần bị trói buộc trong thế giới quan của chính mình.
Để tránh điều đó, LeLa Journal mong rằng sau khi tham khảo bài viết này, các bạn có thể thoải mái thưởng thức bộ phim 12 Angry Men và tự có được những cảm nhận và góc nhìn riêng mà không bị tác động quá nhiều bởi những phân tích trên đây.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Giải Trí?