Song song với quá trình tập đi của trẻ là việc học hỏi và thực hành kỹ năng vận động thô. Đây là bước quan trọng nhằm phát triển cả về mặt thể chất, sự linh hoạt, khả năng thăng bằng và sức bền lẫn thói quen vận động trong suốt cuộc đời trẻ sau này.
Vận động thô (gross motor) gồm các kỹ năng và hoạt động đòi hỏi sự phối hợp của các nhóm cơ lớn như chân, tay, nhóm cơ lõi, nhằm điều phối các chuyển động và giữ thăng bằng của cơ thể. Những hoạt động này sẽ đóng vai trò nền tảng cho việc tiếp thu các kỹ năng vận động phức tạp, các hoạt động liên quan đến thể dục thể chất, sức khỏe và thể thao của trẻ trong tương lai (1). Một số hoạt động vận động thô cơ bản mà cha mẹ thường thấy ở trẻ chính là vẫy tay và bước đi...
Những động tác vận động thô đầu tiên được xem như mốc phát triển mới, giúp trẻ hoàn thiện các động tác đứng lên, ngồi xuống, chạy nhảy, leo trèo, ném, bắt... cùng việc kết hợp nhiều chuyển động, tạo thành một chuỗi liên tục và nhịp nhàng. Một ví dụ điển hình mà cha mẹ nào cũng ngóng chờ, chính là những bước chân đầu tiên của trẻ. Khi đạt được những "bước đột phá" này, cơ thể của trẻ - cụ thể là cơ bắp - ngày càng phát triển khỏe mạnh hơn. Đồng thời, khả năng vận động phối hợp của bé cũng dần được cải thiện.
Dưới đây vừa là sáu cột mốc đầu đời trên hành trình phát triển của trẻ, đồng thời cũng là gợi ý rèn luyện kỹ năng vận động thô ở trẻ mà cha mẹ có thể cùng dõi theo và cổ vũ.
Cha mẹ hãy thử hình dung cảnh tượng bé chập chững bước từng bước tới giỏ đựng đồ chơi, sau đó ngồi xuống và cầm nắm, nhặt lên từng món đồ chơi ưa thích, rồi lại chập chững đứng dậy để đem khoe đồ chơi với cha mẹ. Hành động ngồi xổm và thậm chí là cả chuỗi hành động này đều là những "thành tích" rất đáng để cha mẹ tự hào. Nguyên nhân tới từ việc hoạt động ngồi xổm đòi hỏi trẻ phải thực sự giữ được thăng bằng và đứng vững trên đôi chân. Không chỉ như vậy, những động tác này còn đòi hỏi trẻ phải có khả năng điều phối chuyển động của các nhóm cơ thân dưới một cách nhịp nhàng.
Chuỗi hành động này còn góp phần tạo tiền đề cho việc phát triển tư duy, vì ngay lúc này, trẻ đã bắt đầu có khả năng tự dọn dẹp đồ chơi của mình. Cha mẹ có thể ngồi bên cạnh và khuyến khích con lặp lại những hành động đó, từ đó tạo thành thói quen ngăn nắp cho trẻ sau này.
Sau khi trẻ nhặt được các đồ vật, hành động thường thấy ở trẻ là ném đi. Điều này thường bắt đầu khi trẻ bước vào giai đoạn 15 đến 18 tháng tuổi. Đây là một cột mốc mới, cho thấy trẻ đang luyện tập khả năng phát lực, phối hợp giữa tay và mắt, cũng như giữ thăng bằng. Đây cũng là cơ hội để cha mẹ bước đầu xác định tay thuận của trẻ, thông qua việc quan sát xem trẻ dùng tay nào để ném đồ vật (3).
Cha mẹ có thể cùng con luyện tập kỹ năng này, bắt đầu từ việc ném những vật dụng nhỏ có kết cấu mềm mại mà trẻ có thể dễ dàng cầm nắm, như túi nhồi bông, túi hạt… sau đó, hãy cùng chơi trò ném bóng với độ rắn vừa phải, nhưng đặc biệt lưu ý rằng không nên vội vàng luyện tập với bóng bay chứa hơi.
Khi lắc lư cơ thể theo nhịp điệu là khi bé đã khám phá được thêm một cách chuyển động thú vị, đồng thời kiểm soát cơ thể một cách linh hoạt, nhằm kết nối nhiều chuyển động khác nhau thành một chuỗi. Thông thường, một đứa trẻ sẽ bắt đầu học nhảy trong giai đoạn 15 đến 20 tháng tuổi.
Cha mẹ có thể khuyến khích trẻ bằng cách thường xuyên bật nhạc và để ý xem loại giai điệu nào khiến trẻ ưa thích nhất, sau đó hãy cùng lẩm nhẩm và lắc lư theo nhạc với trẻ. Việc này giúp hình thành về tư duy âm nhạc, khả năng bắt nhịp, sự tự tin... từ đó mang lại nhiều tác động tích cực với sự phát triển của trẻ sau này (4).
Với trẻ em mới tập đi, động tác đi lùi thực sự là một việc tương đối khó khăn. Động tác này buộc cơ mông và cơ đùi trước phải hoạt động nhiều hơn, trẻ vừa phải đổ trọng tâm về sau, vừa phải điều khiển phần thân dưới một cách nhịp nhàng trong khi toàn bộ thao tác diễn ra khi trẻ chỉ có thể nhìn thấy phía trước. Do đó, độ tuổi mà trẻ bắt đầu thực hiện được chuỗi động tác này thường dao động từ 15 tháng tuổi hoặc hơn.
Cách thú vị để cha mẹ giúp trẻ làm được kỹ năng này là cho trẻ một món đồ chơi có tay cầm hoặc dây kéo, sau đó hướng dẫn trẻ bước lùi lại để di chuyển món đồ chơi ấy, ví dụ như đèn cù hay đèn ông sư truyền thống. Để bảo đảm an toàn, cha mẹ cần chuẩn bị gối hoặc người đỡ phía sau khi trẻ bị mất thăng bằng.
Leo cầu thang đòi hỏi nhiều sức mạnh và sự thăng bằng của trẻ để hai chân thay phiên dùng lực. Trẻ thường phát triển kỹ năng leo cầu thang thông qua việc bò trườn hoặc chồm người về phía trước, sau đó, khi đã quen dần, trẻ bắt đầu đứng thẳng và bám vào lan can hoặc nắm tay người lớn để bước lên.
Ngược lại, việc đi xuống cầu thang lại là một thách thức lớn hơn nữa. Việc bò xuống cầu thang khá nguy hiểm, đặc biệt là những cầu thang cao có độ dốc lớn. Do đó, cha mẹ cần bảo đảm rằng trẻ học được cách đi xuống bằng hai chân và có sự giám sát của người lớn. Điều này nên bắt đầu khi trẻ được 24 tháng tuổi, tức là khi trẻ đã tương đối thuần thục các kỹ năng kể trên.
Để bảo đảm an toàn cho trẻ khi luyện đi ở cầu thang, hãy lựa chọn thực hành với bậc thang ngắn và không dốc như bậc thang trước thềm nhà hoặc ở công viên trong khu vực cầu trượt cho trẻ em.
Trong độ tuổi từ 20 đến 36 tháng tuổi, trẻ sẽ có những động tác bật nhảy, dù chỉ là nhấc phần gót chân. Tuy nhiên, trẻ sẽ dần nhảy được cao và nhiều hơn. Kỹ năng vận động này đòi hỏi nhiều sức mạnh của cơ bắp, độ dẻo dai của hệ thống dây chằng và xương khớp, cùng khả năng sử dụng sức mạnh bộc phát (dạng sức mạnh dồn lực thực hiện trong một thời gian ngắn), quán tính và khả năng kết hợp. Cha mẹ nên bảo đảm rằng trẻ được thực hành động tác nhảy trên bề mặt an toàn với sự giám sát của người lớn.
Điều quan trọng nhất mà cha mẹ cần chú ý khi cùng chơi và giúp trẻ thực hiện động tác này là tạo hứng thú cho trẻ và bảo đảm bề mặt sàn có thể hỗ trợ trẻ tiếp đất một cách ổn định và an toàn.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Cha, Mẹ & Bé?