Cát có nhiều ứng dụng trong cuộc sống hằng ngày, từ xây dựng, làm thủy tinh, phương pháp rang cát trong chế biến thực phẩm… cho tới đến trang trí đồng hồ cát, tranh cát... Ngoài những ứng dụng đó, cát còn là một công cụ hữu hiệu trong trị liệu tâm lý, cải thiện đời sống tinh thần của con người và hỗ trợ giáo dục con trẻ. Vậy cần chuẩn bị và lưu ý điều gì để chúng ta có thể vừa ra biển chơi với cát, vừa được... chữa lành?
Liệu pháp khay cát là một phương pháp thường được nhà trị liệu áp dụng khi làm việc với trẻ em, trẻ vị thành niên và đôi khi là cả người trưởng thành có một số vấn đề tâm lý nghiêm trọng.
Phương pháp này được xây dựng từ kỹ thuật chơi đùa (play techniques) khi áp dụng Thuyết Phân tâm để làm việc với trẻ em. Khi Carl Jung đề ra và phát triển phân ngành Tâm động học, ông đã áp dụng liệu pháp chơi cát (sandplay therapy), mà chúng ta cũng thường gọi là liệu pháp khay cát (1).
Khi thực hành liệu pháp khay cát trong trị liệu tâm lý, thân chủ sẽ được đưa một khay cát, với bề mặt khay thường có màu xanh để biểu thị cho mặt nước. Trong lòng khay có nhiều đồ vật để thân chủ tự tạo ra hình ảnh về thế giới nội tâm của họ (1).
Liệu pháp khay cát có bốn cơ chế tác động qua lại lẫn nhau, nhằm gia tăng sự kết hợp giữa các neuron ở những người từng gặp chấn thương tâm lý (2). Bốn cơ chế này bao gồm:
Đặc biệt, cảm giác thân thể khi thân chủ thực hành liệu pháp khay cát có liên quan tới tiến trình chữa lành hướng thượng (bottom-up healing).
Đây là hướng tập trung xử lý các vấn đề cảm xúc và cảm giác cơ thể trước khi đi sâu vào phân tích suy nghĩ, nhận thức của thân chủ (2), (3).
Một nghiên cứu trường hợp điển hình (case study) thực hiện trên một khách thể với chứng rối loạn lo âu đã quan sát được tiến trình cải thiện các triệu chứng lo âu. Nghiên cứu này kéo dài trong 9 tuần, gồm 18 phiên làm việc sử dụng liệu pháp khay cát cùng nhà trị liệu được đào tạo bài bản và thực hiện trên một khách thể 23 tuổi (4).
Dữ liệu cuối cùng dẫn tới một kết quả khá thú vị là trong khoảng thời gian giữa các phiên, họ không ghi nhận được nhiều thay đổi ở khách thể. Song, sau một liệu trình đủ 18 phiên, các triệu chứng rối loạn lo âu của khách thể giảm mạnh, từ mức độ nghiêm trọng xuống mức độ bình thường (4).
Nhóm tác giả cũng nhận ra rằng trong liệu pháp khay cát, việc tiếp nhận nhiều loại thông tin cảm giác cơ thể cũng giúp cải thiện tình trạng của thân chủ. Do đó, các tác giả đã tập trung nghiên cứu vùng hồi hải mã (thalamus) vì vùng này đóng vai trò thiết yếu trong việc xử lý các thông tin cảm giác. Vùng này còn có tương tác qua lại với vùng hạch hạnh nhân (amygdala) và hệ viền (limbic system) – vùng ảnh hưởng lớn tới chứng rối loạn lo âu (4).
Hình ảnh thu được từ nghiên cứu trên cũng cho thấy rằng liệu pháp khay cát không chỉ giúp giảm các triệu chứng lâm sàng của rối loạn lo âu, mà còn hỗ trợ tăng cường chức năng và sức khỏe của não, cụ thể là ở hệ thống dưới vỏ não (subcortical) (4).
Như vậy, với những bằng chứng hình ảnh về thần kinh và não bộ, liệu pháp khay cát không chỉ được công nhận bởi những tâm lý gia theo trường phái phân tâm, mà bởi cả giới khoa học nói chung.
Trong đời sống, có một cách thức có tác dụng chữa lành là hình dung cảnh thiên nhiên, hoặc cụ thể là hình dung cảnh bờ biển, sa mạc, hoang mạc… (5).
Theo đó, có thể thấy rằng môi trường sống gần bờ biển đem lại cho con người nhiều lợi ích về mặt tinh thần (6). Bãi biển và các hoạt động bên bờ biển có thể kích thích các giác quan của con người, đặc biệt là xúc giác. Một số hoạt động tiêu biểu nhất là xây lâu đài cát, đắp cát lên người, lướt sóng, bơi…
Thế nên, bên cạnh lợi ích của liệu pháp khay cát như đã nhắc tới ở trên, chúng ta cần cân nhắc cả lợi ích của việc tiếp, chạm. Những cái chạm, tiếp xúc với da có thể tạo ra trải nghiệm gắn kết con người với môi trường bên ngoài. Do đó, đây là một nguồn lực hữu hiệu trong việc trị liệu, đặc biệt là liệu pháp khay cát (5).
Cha mẹ cũng có thể sử dụng hình thức chơi cát như một công cụ để giúp trẻ trong độ tuổi 6 tháng - 2 tuổi phát triển toàn diện hơn (7).
Trên thực tế, hình thức chơi cát có thể hỗ trợ không nhỏ trong tiến trình phát triển và học tập, cũng như giảm triệu chứng ở trẻ tự kỷ (8), cải thiện vấn đề hành vi và cảm xúc ở trẻ mắc các bệnh mạn tính (9), thậm chí là ở những trẻ mắc HIV/AIDS (10)...
Vậy cha mẹ cần làm gì để trẻ hưởng lợi nhiều nhất từ việc chơi cát này?
Môi trường chơi cát của trẻ nên có đủ yếu tố hỗ trợ tiến trình chơi đùa, liên quan tới tương tác xã hội, vận động, sáng tạo, phát triển nhận thức, học tập (7), chẳng hạn như cát, nước, một số hoạt động nghệ thuật, không gian thoáng đãng, thậm chí là có cả thú cưng...
Những kết luận nghiên cứu từ năm 1985 đã chỉ ra rằng trẻ thường có xu hướng chọn chơi với cát và đồ chơi. Trong khi đó, chơi với cát và nước lại là hoạt động kích thích giác quan cho trẻ, mở ra cơ hội học tập thông qua sự tò mò, xử lý và giải quyết vấn đề, khám phá và sáng tạo. Thông qua việc chơi cát, trẻ được khuyến khích chia sẻ, lắng nghe và hợp tác với các bạn cùng chơi.
Điều này giúp ích cho sự rèn luyện khả năng cảm thông, nhận diện cảm xúc của người khác, quan trọng hơn hết là nhận biết rằng những hành động của bản thân có thể tác động đến người khác. Từ đó, trẻ có thể tự điều hòa cảm xúc cá nhân, nhận diện những điều khiến mình vui, buồn, hào hứng… (7).
Về phát triển thể chất, trẻ trong giai đoạn này đang phát triển những kỹ năng vận động thô gồm ngồi, bò, đứng, đi, chạy... (7). Việc dùng những công cụ như xẻng, cào, xô… còn cho trẻ cơ hội phát triển các kỹ năng vận động tinh. Ví dụ, thử cầm nắm cát trong tay, nắm chặt xẻng xúc cát khi chơi, dùng tay đổ cát…
Việc xây dựng được những kỹ năng này ở độ tuổi mới chập chững đi sẽ giúp ích cho trẻ trong việc tự ăn uống, cột dây giày, kéo dây khóa áo khoác và cầm bút sau này.
Về học tập và ngôn ngữ, đây là giai đoạn quan trọng trong việc tiếp thu ngôn ngữ ở trẻ. Suốt tiến trình chơi cát, trẻ thường có những cuộc hội thoại với bạn chơi cùng về suy nghĩ và hành động của mình. Chẳng hạn, khi chơi trên bãi biển, lũ trẻ sẽ trao đổi với nhau về việc chúng muốn xây lâu đài cát như thế nào, nhìn ngó và nhắc nhau về sóng biển đang dâng lên ra sao… Điều này kích thích sự phát triển ngôn ngữ, khả năng diễn đạt ý tưởng và vốn từ vựng của trẻ. Như vậy, khi chơi cát cùng trẻ, cha mẹ cũng có thể hỏi trẻ về tác phẩm trên cát, nhằm khuyến khích tương tác hai chiều ở trẻ.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Tâm Lý?
Cập nhật những nghiên cứu và khám phá mới nhất về tâm lý.