Với Nghiên cứu Framingham Heart, khoa học thực nghiệm đã chứng minh được rằng mỗi cá nhân có thể lan tỏa niềm hạnh phúc của mình, từ đó tạo nên một cộng đồng "lây lan" những điều tích cực. Hãy đọc ngay xem mình có đang lan truyền hạnh phúc không và làm sao để có thể thực hiện được nhé.
Hằng năm, các chuyên trang và tổ chức uy tín vẫn xếp hạng những quốc gia hạnh phúc nhất trên thế giới, trong đó nhóm đầu thường có những cái tên quen thuộc như Phần Lan, Đan Mạch, Thụy Điển, Iceland, Na Uy – những đất nước ở khu vực Bắc Âu (1). Bạn có bao giờ tự hỏi tại sao những quốc gia thuộc cùng khu vực lại có chỉ số hạnh phúc tương đối cao giống nhau?
Và bạn có để ý rằng trong cuộc sống thường nhật, khi tiếp xúc với những người vui vẻ hay cười, chúng ta có xu hướng cảm nhận được năng lượng tích cực và cũng thấy yêu đời hơn? Ngược lại, nếu ở gần những người tiêu cực, chúng ta cũng dễ cảm thấy… chán chường theo họ.
Bên cạnh việc chúng ta có thể đồng cảm được với người khác, thì thực tế là một số nhà khoa học đã kiểm chứng được điều này dưới góc nhìn vật lý học.
Nghiên cứu Framingham Heart (Framingham Heart Study) đã được thực hiện bởi hai giáo sư là James H. Fowler (tại Đại học California) và Nicholas A. Christakis (tại Đại học Harvard). Theo đó, kết quả đã chứng minh rằng hạnh phúc tỏa ra từ chúng ta như năng lượng, trong đó mỗi cá nhân hạnh phúc sẽ đóng vai trò như một "trạm phát wi-fi" truyền năng lượng ấy vào không gian xung quanh (2).
Cụ thể, trong giai đoạn 1983 đến 2003, các nhà nghiên cứu đã theo dõi 4.739 tình nguyện viên sống tại Framingham, Massachusetts (Hoa Kỳ) và đo lường xem niềm hạnh phúc tỏa ra từ bản thân họ có thể tác động thế nào tới gia đình, bạn bè, hàng xóm và những người trong mạng lưới xã hội của họ. Kết quả về mức độ hạnh phúc gây ra nhiều bất ngờ, cụ thể như sau:
Khi hình dung mạng lưới xã hội của những tình nguyện dựa theo vị trí nơi ở thực tế của họ, kết quả trực quan cho thấy niềm hạnh phúc có tính lan truyền.
Mỗi cá nhân trong mạng lưới được đại diện bằng một chấm được tô màu với gam màu đại diện cho mức độ hạnh phúc của cá nhân đó. Trong đó, màu xanh lam thể hiện mức độ bất hạnh cao nhất, còn màu vàng thể hiện trạng thái hạnh phúc tối đa.
Có thể quan sát thấy rằng vị trí phân bổ của các chấm màu không nằm ngẫu nhiên, mà các chấm màu tương tự nhau hoặc gần phổ màu có xu hướng tụ lại thành cụm. Điều này cho thấy rằng trạng thái cảm xúc của chúng ta không mang tính độc lập trong một môi trường. Hình ảnh mạng lưới xã hội với các điểm màu tạo thành cụm cùng phổ màu đã thể hiện vai trò của các cá nhân như những "trạm phát wi-fi" lan truyền tín hiệu tích cực đến những người sống quanh họ trong phạm vi địa lý gần (3).
Giáo sư Christakis – một trong hai tác giả của nghiên cứu – giải thích rằng, trạng thái cảm xúc của con người phụ thuộc vào các lựa chọn, hành động và kinh nghiệm của bản thân và của người khác, bao gồm cả những người chúng ta không liên quan trực tiếp. Giáo sư Fowler – đồng tác giả nghiên cứu – cũng cho rằng con người nên coi hạnh phúc là một hiện tượng tập thể.
Chẳng hạn, một người đi làm trở về nhà với tâm trạng tồi tệ, thái độ của người đó không chỉ ảnh hưởng đến tâm trạng của người vợ/chồng và con cái mà còn gián tiếp khiến bạn bè và người thân của xung quanh và hàng xóm cũng cảm thấy tiêu cực.
Xét theo góc độ rộng lớn hơn, điều này gắn với lý thuyết về sự lan tỏa cảm xúc. Lý thuyết này đã được nhiều nhà tâm lý học công nhận qua nhiều thập kỷ, tiêu biểu như sau:
Không chỉ bị giới hạn trong tâm lý học, cảm xúc còn được các lý thuyết vật lý hiện đại chỉ ra rằng chúng cũng có… tần số hoạt động. Đặc biệt, chúng ta cũng rung động với một tần số riêng biệt. Một người luôn vui vẻ sẽ phát ra một tần số tương ứng thu hút đối phương đang khao khát niềm hạnh phúc trong phạm vi địa lý lân cận, tương tự như bắt sóng wi-fi (7).
Một số cảm xúc cơ bản của con người thường nằm trong dải tần 417–440 Hz (8). Đặc biệt là chỉ có trạng thái bình tĩnh mới "hoạt động" với tần sóng cao.
Vì vậy, bên cạnh việc truyền đi sóng hạnh phúc, chúng ta hãy lưu ý rằng sự bình tĩnh của chúng ta cũng có thể truyền đi trong "không gian" với cường độ mạnh và nhanh hơn các trạng thái cảm xúc khác (8).
Dưới đây, LeLa Journal gợi ý ba cách để giúp độc giả tìm đến hạnh phúc và lan tỏa điều này hiệu quả hơn.
1. Xác định mức độ ảnh hưởng của những người xung quanh đến cảm xúc của mình: Hãy ghi lại danh sách những người mình dành thời gian nhiều nhất cho họ trong ngày như bố mẹ, vợ/chồng, con cái, đồng nghiệp, bạn bè…
Nếu bạn đang dành thời gian bên những người tích cực nhiều so với những người tiêu cực thì xin chúc mừng, bạn đang nhận được "sóng wi-fi" tích cực và sẽ ngày một hạnh phúc hơn.
2. Bạn có thể lan truyền "sóng wi-fi" đến những người xung quanh: Việc làm cho người khác vui khi bạn có mặt bên cạnh họ cũng là một kỹ năng xã hội quý giá, thậm chí, khi bạn bày tỏ được sự đón nhận nồng hậu và chân thành, bạn còn có thể giúp người khác đạt được nhu cầu sở thuộc (belonging).
Hãy bắt đầu với những điều giản dị như cư xử tốt và chân thành với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp; khen ngợi và cổ vũ cho những thành tựu của họ; giúp họ nhìn ra mặt tích cực của vấn đề đang làm họ đau đầu, thể hiện sự biết ơn với những gì người khác làm cho mình…
3. Hãy chấp nhận cảm xúc và tìm kiếm sự giúp đỡ khi cần: Sự thật là chúng ta không thể chỉ sống trong trạng thái vui vẻ và hạnh phúc. Những cảm xúc tiêu cực, như buồn bã và tức giận… vẫn là những cảm xúc cơ bản của con người mà chúng ta không thể và cũng không nên loại bỏ chúng.
Vì vậy, bên cạnh việc tìm kiếm hạnh phúc, bạn cũng hãy nhận diện những cảm xúc tiêu cực ở bản thân và người khác, chấp nhận những cảm xúc này mà không phán xét và nếu cần thì hãy tìm kiếm sự giúp đỡ.
Bất kể đó có là sự hỗ trợ về mặt xã hội (bạn bè, gia đình…) hay sự hỗ trợ của chuyên gia nhé.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Tâm Lý?
Cập nhật những nghiên cứu và khám phá mới nhất về tâm lý.