Trước khi Robert Sapolsky, nhà sinh vật học đến từ Đại học Standford viết cuốn "Tại sao ngựa vằn không bị loét?" (Tựa gốc: "Why Zebra Don’t Get Ulcers?"), chắc hẳn không ít người vẫn còn ngơ ngác, hoài nghi rằng chuyện động vật hoang dã cũng bị chấn thương tâm lý là thực hay hư?
Tham khảo: https://www.amazon.com/Why-Zebras-Dont-Get-Ulcers/dp/0716732106
Nếu xem cuộc rượt đuổi trên xavan để giải thích nghi vấn trên, ta thấy cả hai chủ thể là ngựa vằn và sư tử cùng trải qua cơn căng thẳng (stress). Nếu ngựa vằn (con mồi) sợ hãi vì có thể bỏ mạng trên đồng cỏ thì sư tử (kẻ săn mồi) lại áp lực vì chúng đang đứng trước nguy cơ không kiếm đủ thức ăn để duy trì sự sống. Từ đây, chúng ta có thể thấy rằng thú hoang vốn không tận hưởng cuộc đời vô ưu, vô lo như chúng ta vẫn tưởng.
Thế giới tự nhiên đầy rẫy những hiểm nguy. Hầu hết mỗi ngày, các sinh vật đều có thể trải nghiệm những cú sốc tinh thần. Theo nghiên cứu của Đại học Konstanz, kết quả cho thấy rằng những động vật chưa được thuần hóa xem áp lực hoặc cơn lo lắng là một tình huống khẩn cấp buộc chúng phải tự vệ (2).
Như vậy, căng thẳng chính là phản ứng sinh lý trước một tác nhân kích thích thái quá khiến một sinh vật bị kích động, tổn thương.
Để không biến thành bữa ăn chiều của cáo, những chú thỏ rừng tinh khôn buộc phải chạy. Chúng đã "chạy" qua biết bao thập kỷ, chứng kiến sự biến đổi của môi trường, kiểu hình và tập tính tự nhiên. Thực chất, việc trốn chạy vô thưởng vô phạt thế này lại chính là phương thức mà chúng áp dụng để đối mặt với nguy hiểm.
Khi một con vật lâm nguy, não sẽ gửi tín hiệu đến tuyến thượng thận - nơi bài tiết các hormone tên là corticosteroid vào máu. Hormone này lần lượt tạo ra các năng lượng mới, phản ứng nhanh nhẹn từ các mô, chất có sẵn bên trong (3). Sự chuyển hóa này giúp đối tượng trong cơn nguy cấp "huy động" được sự nhanh nhẹn, tỉnh táo. Nhờ đó, chúng vượt qua lưỡi hái của tử thần.
Tuy nhiên, kẻ săn mồi không phải là tác nhân duy nhất. Chúng sẽ bị kiệt sức nếu trải qua nạn đói, bệnh tật, khí hậu khắc nghiệt, chấn thương, xung đột, thay lông, mất bạn đời… Vào năm 2016, từ Đại học California, L. Michael Romero - Giáo sư thuộc Khoa Sinh học và John Wingfield - nhà Nội tiết học Môi trường, đã đưa ra kết luận về một tác nhân góp phần bào mòn "tâm lý hoang dã" ở động vật, chính là con người. Nạn phá rừng, đô thị hóa, khai hoang bừa bãi là các nguyên nhân đe dọa sự bình yên của động vật (4).
Về điều này, có một phát hiện đáng chú ý tại Colorado (Hoa Kỳ). Thành phố này là "nhà" của loài thằn lằn đuôi roi ca-rô hiếm thấy, đồng thời là nơi đặt căn cứ quân sự Fort Carson - khu vực máy bay thường xuyên phát ra âm thanh lớn hơn tần sóng mà lớp bò sát có vảy có thể tiếp nhận. Kết quả đã cho thấy rằng giống thằn lằn đuôi roi ca-rô tại Colorado đã bị trầm cảm (5). Cụ thể là chúng trở nên ít di chuyển và ăn nhiều hơn để bù đắp cho những ngày tâm trạng xuống dốc.
Tuy không có nhiều đặc điểm sinh học như nhau, những con ruồi giấm bị cô lập trong phòng thí nghiệm cũng trải qua tình trạng tương tự, khi chúng mất ngủ và trở nên hoảng loạn (6). Họ cá gai nhỏ nước ngọt Gasterosteidae có thể di truyền cơn khủng hoảng cho thế hệ kế tiếp, nghĩa là nếu cá gai cha từng giáp mặt với các đối thủ nặng ký, cá gai đực con sẽ sở hữu tính hiếu chiến và hung hăng hơn nhiều (7).
Thú hoang không thể tìm đến những liệu pháp xoa dịu tinh thần như con người và chúng cũng không thể trốn chạy mãi. Một số bằng chứng thực nghiệm cho kết quả là một con chuột hoang dã đã mất vì cơn đau tim, sau khi nghe đoạn băng mô tả về cuộc chiến giữa mèo và chuột, chim bạc má mũ đen đã có phản ứng căng thẳng dài hạn tương tự như PTSD (rối loạn căng thẳng hậu chấn thương tâm lý) khi phải nghe tiếng kêu của diều hâu và cú - những loài "oan gia" với chúng (8). Điều này có nghĩa là không phải lúc nào loài vật cũng có thể sống chung với căng thẳng.
Trong rất nhiều trường hợp, động vật hoang dã phải lựa chọn, ví dụ như "chiến đấu hay là chết?"
Nhưng không chỉ dừng lại ở đó. Trong nhiều tình huống, động vật bắt buộc phải ăn ít đi, giảm sinh sản, đẻ con non hoặc tìm nơi ẩn náu an toàn. Theo quan sát tại Vườn Quốc gia Yellowstone (Hoa Kỳ), các nhà nghiên cứu đã ước tính được rằng kể từ khi quần thể sói trở nên đông đảo, số lượng hươu tại đây sụt giảm, chỉ còn một nửa so với kích thước quần thể ban đầu (9).
Khi bị những con đầu đàn bắt nạt hoặc bị tấn công trong lúc tìm thức ăn, loài khỉ Capuchin lông xù thường sử dụng tiếng kêu để cảnh báo đồng loại của mình (10). Đây là một ví dụ của một "sinh thái sợ hãi" (ecology of fear), nơi mà nỗi sợ con đầu đàn đã bao trùm lên cả đàn (11). Điều này dẫn tới các giải pháp cho các nhóm cá thể là thay đổi yếu tố cấu thành nhằm thích ứng với chọn lọc tự nhiên (chiến đấu với con đầu đàn) hoặc các cá thể phải di cư để duy trì nòi giống (chạy biến sang đàn khác hoặc nơi khác an toàn). Tựu trung, "Chiến-hoặc-Biến" phụ thuộc vào từng loài, từng đặc trưng sinh học và kiểu gen cụ thể.
Lật lại những ví dụ trên, có bao giờ chúng ta tự hỏi rằng làm thế nào mà ngựa vằn thì vẫn sống vô tư và thỏ rừng thì luôn quyết toán trong những căng thẳng hằng ngày? Vậy con người chúng ta - loài động vật cấp cao thì sao?
Đáp án nằm ở mức độ và thời gian của căng thẳng. Hầu hết các loài động vật hoang dã không bị căng thẳng mãn tính (12). Thông thường, động vật chỉ chịu lo lắng trong một khoảng thời gian nhất định rồi lại tiếp tục sống, nhưng con người thì vẫn phải đối mặt với nguy cơ chịu căng thẳng kéo dài.
Tuy nhiên, điều này cũng không hoàn toàn chính xác. Bên cạnh "Chiến-hoặc-Biến", động vật còn có một phương thức đối diện với căng thẳng nữa là "đông cứng" (freeze), mà chúng ta có thể tạm hiểu đó như một hình thức giả chết để bảo toàn mạng sống. Con người cũng có thể có phản ứng tương tự, như việc chúng ta cứng đờ người khi bị sốc. Việc quan sát các loài vật có phản ứng đông cứng đã mở ra một hướng điều trị thân-tâm cho những người từng đối mặt với các rối loạn liên quan tới căng thẳng hoặc chấn thương tâm lý, tiêu biểu nhất trong đó là Liệu pháp Thân nghiệm (Somatic Experiencing Method) được đưa ra bởi Tiến sĩ Peter A. Levine vào những năm 70s (13).
Căng thẳng mãn tính tới từ nhiều nguyên nhân phức tạp, đặc biệt là môi trường sống. Khi đặt con người và các loài vật khác lên bàn cân trong cuộc đua "đối mặt với căng thẳng", chúng ta cần đặc biệt lưu ý tới điều này.
Mỗi ngày, chúng ta thường dành nhiều thời gian trong một khu vực nhất định, như nhà ở, công ty, hàng quán… mà ít tiếp xúc với thiên nhiên, khiến cơ thể thiếu phytoncides - một loại chất kháng sinh tự nhiên giúp giảm đau, giảm căng thẳng và tăng cường miễn dịch.
Vậy tại sao chúng ta không tận dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên để thân-tâm được hồi phục sau căng thẳng?
Khi đó, thiên nhiên giúp chúng ta đánh thức những xúc cảm ban sơ, trong trẻo và thuần khiết nhất, đồng thời cũng giúp chúng ta nhìn nhận cuộc sống đầy căng thẳng theo một hướng khác: Vượt lên trên những loài khác trong vòng tròn tiến hóa, chúng ta là loài duy nhất có thể lựa chọn cuộc sống mình có thể diễn ra thế nào và có quyền hướng tới những điều tích cực hơn.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Thú Cưng?
Chia sẻ những phương pháp thiết thực giúp bạn chăm sóc thú cưng.