Cách giúp con hiểu kết bạn là kỹ năng sống quan trọng và gợi ý con phương pháp thực hành kết bạn.
Nếu quan sát thấy con mình không có bạn bè hoặc hiếm khi được rủ rê chơi cùng những đứa trẻ khác, các bậc cha mẹ cần nhận ra đó là lúc phải giúp trẻ kết giao bạn bè và kết nối với thế giới xung quanh.
Kết bạn là một phần quan trọng trong quá trình trưởng thành và là một phần thiết yếu trong sự phát triển kỹ năng xã hội cũng như rung động cảm xúc của bé. Chúng ta đang sống trong một thế giới nơi mọi thứ đều có sự tương giao chặt chẽ. Không ai có thể sống một cách cô lập và tách biệt, vì tất cả đều phải tương tác để cùng sinh tồn, hỗ trợ và phát triển. Thế nên, không bao giờ là quá sớm để giúp con phát triển kỹ năng này.
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng tình bạn lành mạnh có thể giúp trẻ tránh xa những kẻ bắt nạt, và ngay cả khi trường hợp bắt nạt xảy ra, trẻ cũng đối phó một cách dễ dàng hơn (2). Một tình bạn gắn kết cũng đồng thời rèn luyện được các kỹ năng sống quan trọng như cách làm việc đội nhóm cùng người khác. Hơn thế nữa, thông qua việc kết giao bạn bè, con trẻ sẽ xây dựng được lòng tự trọng và tự tin, đồng thời có thể mở lòng ra với sự đa dạng của con người và sự đa chiều của thế giới xung quanh. Từ đó, bé sẽ hiểu ai ai cũng có thể trở thành bạn bè mà không có bất kỳ sự phân biệt tầng lớp, tôn giáo, chính trị, sắc tộc... Điều này gián tiếp hình thành tư duy dễ dàng hòa nhập vào những cộng đồng mới mà con trẻ sẽ trải nghiệm về sau.
Nếu bạn không biết con mình có bạn hay không, hãy nói chuyện với giáo viên để xem bé tương tác với những đứa trẻ ở trường như thế nào. Bạn cũng có thể chọn thời điểm thích hợp để hỏi về những người bạn mà con mình yêu quý, để ước chừng về số lượng bạn bè và khả năng kết giao của trẻ.
Ngoài ra, nếu trẻ cảm thấy thoải mái với số lượng bạn bè đang có, các bậc cha mẹ nên tránh việc lo lắng thái quá về vấn đề kết bạn. Bởi lẽ, một số trẻ sẽ có nhiều bạn bè và có xu hướng quen biết rộng rãi, trong khi một vài đứa trẻ khác lại chỉ cần một hoặc vài người bạn tốt là đủ.
Mặc dù tình bạn là một phần quan trọng trong đời sống, nhưng không phải đứa trẻ nào cũng có năng khiếu kết bạn. Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề, bởi kỹ năng này có thể học được. Với một chút nỗ lực, dũng cảm, lắng nghe và kiên nhẫn, con bạn sẽ sớm có một hoặc hai người bạn có thể dành thời gian cho nhau.
Chúng ta nên bắt đầu tìm hiểu cảm giác hoặc phản ứng của con về việc giao tiếp xã hội. Liệu con có thấy lo lắng khi giới thiệu bản thân với các bạn đang chơi trên sân? Liệu con muốn đến nhà đứa trẻ khác chơi, nhưng lại lo lắng không biết có được đón tiếp niềm nở? Vì với những đứa trẻ rụt rè và thiếu kỹ năng giao tiếp, tâm lý của các bé sẽ thường khép kín khi nghĩ đến cảm giác bị bỏ rơi, bị thừa thãi, bị trêu chọc... khi bước vào một mối quan hệ mới.
Khi đã xác định được cảm giác nơi con, bạn có thể xây dựng kế hoạch giúp con phát huy kỹ năng xã hội cần thiết để vun đắp tình bạn lành mạnh.
Học cách bắt đầu và duy trì cuộc trò chuyện với người khác là kỹ năng mà trẻ cần trau dồi. Trước khi trẻ có thể trò chuyện với bạn bè một cách tự nhiên, cha mẹ nên trang bị trước cho các bé một số câu hỏi để bắt chuyện như: "Bạn thường làm gì khi rảnh rỗi?", "Bạn thích xem chương trình nào trên TV?", "Bạn có nuôi thú cưng không?"... Cha mẹ có thể sử dụng một số video có sẵn trên Internet liên quan đến chủ đề bắt chuyện làm quen để minh họa về cách trẻ con trò chuyện thân thiện với nhau. Qua đó, chúng ta có thể chỉ cho trẻ thêm về ngôn ngữ cơ thể, giọng nói và khoảng dừng trong lúc trò chuyện.
Để có những cuộc trò chuyện thú vị với bạn bè đồng thời có những tình bạn lành mạnh, con trẻ cần rèn giũa khả năng lắng nghe và đồng cảm. Khi thể hiện lòng trắc ẩn và quan tâm đến người khác một cách đúng đắn, đó chính là cánh cửa mở ra tình bạn tốt đẹp.
Đầu tiên, cha mẹ cần trò chuyện với con về việc nhận biết ai đó đang trải qua giai đoạn khó khăn và mong muốn của họ để tìm sự lắng nghe, chia sẻ và giúp đỡ. Từ đó, hãy hướng dẫn trẻ có thể làm gì nhằm bày tỏ lòng tốt của mình.
Song song đó, con trẻ cũng cần được dạy cách biết ơn và trân trọng tấm lòng của người khác đối với mình. Để giúp trẻ nhận biết điều này sâu sắc hơn, hãy đặt ra những câu hỏi như: "Khi ai đó giúp đỡ con, con cảm thấy thế nào?", "Khi bạn chỉ con bài tập mà con không hiểu, con có muốn chơi cùng bạn không?"... Lúc này, con sẽ cảm nhận rất rõ tình bạn được xây dựng trên tinh thần chia sẻ và hỗ trợ lẫn nhau.
Khi thể hiện lòng trắc ẩn với người khác cũng tức là trẻ đang học thêm kỹ năng quan sát. Bởi chỉ khi quan sát, con trẻ mới biết ai đang cần hỗ trợ và thông qua đó, con cũng hiểu rõ bản thân có thể chia sẻ những gì. Ví dụ, nếu con có khả năng làm bánh, cha mẹ nên khuyến khích con có thể làm bánh để tặng cho một người bạn đang gặp chuyện buồn. Nếu con thích làm những món quà thủ công, hãy tặng cho người bạn cùng lớp mà con quý mến. Bằng cách này, con đang học cách cho đi và xoa dịu nỗi buồn của người khác. Thông qua đó, trẻ càng thấm thía hơn ý nghĩa của việc chia sẻ và hạnh phúc của sự cho đi.
Trong suốt cuộc đời, con người phải đối diện với nhiều nhân duyên, từ duyên sinh sống ở các vùng đất mới, duyên gặp gỡ với đa dạng con người, duyên làm việc ở các môi trường khác nhau... Điều đó có nghĩa rằng, mọi nhân duyên trong đời biến đổi một cách liên tục. Cha mẹ cũng nên giúp con nhận ra sự thật rằng cuộc sống là sự vận động không ngừng nghỉ và con cần thích nghi với những thay đổi mang tính vô thường. Sau môi trường gia đình, trường học quen thuộc, trẻ sẽ phải làm quen với những môi trường mới. Nếu muốn hòa đồng và mở rộng lòng mình, trẻ cần học kỹ năng làm quen với các bạn mới, để cùng nhau hỗ trợ và phát triển.
Cha mẹ có thể dành thời gian giúp con tham gia những hoạt động ngoại khóa phù hợp với sở thích như chơi đàn, học hát, học bơi, học vẽ... Tại đây, trẻ sẽ có cơ hội làm quen với môi trường mới và các bạn mới. Hơn nữa, cha mẹ có thể trò chuyện với những phụ huynh của các bạn nhỏ đang tham gia hoạt động ngoại khóa này và khuyến khích họ để các đứa trẻ làm quen, chơi đùa và rèn luyện sở thích chung. Khi các con có cùng sở thích và kết giao với nhau, các con sẽ học cách chia sẻ và giúp đỡ phát huy sở thích đó.
Vào dịp Hè, sẽ thật tốt nếu phụ huynh tổ chức các hoạt động tình nguyện ở những nơi có nhiều trẻ em đồng trang lứa để các bé có thể cùng nhau đóng góp những điều ý nghĩa cho cộng đồng. Bởi tình bạn sẽ phát triển tốt hơn khi các con có cơ hội cùng trải nghiệm, làm việc và vượt qua các thử thách.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Cha, Mẹ & Bé?